Khuyến công Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Kết thúc năm 2018 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương Bắc Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có cuộc trò chuyện, phỏng vấn ngắn với ông Ngụy Đình Nghĩa - Giám đốc Trung tâm xoay quanh vấn đề này và một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khuyến công năm 2019.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2018 là năm mà công tác khuyến công của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Ông có thể cho biết những kinh nghiệm, bài học thực tiễn nào đã được rút ra để hoạt động này đạt được kết quả cao?

Giám đốc Ngụy Đình Nghĩa: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong chín nội dung của hoạt động khuyến công được quy định tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.

Năm 2018, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp triển khai 17 đề án với tổng kinh phí  2,49 tỷ  đồng, trong đó có 4 đề án khuyến công quốc gia, 2 đề án phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp I (Cục Công Thương địa phương) và 11 đề án khuyến công tỉnh hỗ trợ cho 17 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư  ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thuộc các ngành: công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông lâm sản, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng...

Qua đánh giá hiệu quả của hoạt động này mang lại là: Động viên, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, cụ thể cứ 01 đồng vốn khuyến công bỏ ra đã thu hút được gần 20 đồng vốn đối ứng của các đối tượng thụ hưởng; đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trình diễn, phổ biến, nhân rộng mô hình tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất xe rùa tại Công ty TNHH cơ khí Hùng Thảo (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên)

Một số kinh nghiệm, bài học thực tiễn:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công tạo sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề trong hoạt động khuyến công.

Hai là, công tác xây dựng kế hoạch công giai đoạn 5 năm, hàng năm phải phù hợp với các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Trung ương và của tỉnh; đề án khuyến công được lựa chọn phải là hạt nhân, có tính lan tỏa trong các ngành nghề, làng nghề; nội dung hỗ trợ phải sát với nhu cầu thực tiễn của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề trên địa bàn.

Ba là, công tác triển khai tổ chức thực hiện các đề án khuyến công cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có đề án; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại với vai trò là đơn vị được giao chủ trì thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh phải luôn đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề.

Bốn là, với điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, cần tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tăng thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công trên địa bàn.

Phóng viên: Trong năm 2019 này, công tác khuyến công sẽ được tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào thưa ông?

Giám đốc Ngụy Đình Nghĩa:

Thứ nhất về địa bàn: Hoạt động khuyến công được thực hiện 10/10 huyện, thành phố của tỉnh, trong đó ưu tiên những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Thế.

Thứ hai về ngành nghề: Hỗ trợ phát triển các ngành nghề và sản phẩm công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh như: vải thiều, mỳ gạo (huyện Lục Ngạn); chế biến gỗ rừng trồng (huyện Lục Nam); sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi (huyện Lạng Giang); chế biến chè (huyện Yên Thế); chế biến rau, quả sạch (huyện Hiệp Hòa)...

Thứ ba về nội dung khuyến công:

- Nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất: Hỗ trợ  xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm mới trên địa bàn cấp huyện như sản xuất đá ốp lát xuất khẩu, thức ăn chăn nuôi (huyện Lạng Giang); đầu tư hệ thống sấy mỳ nhằm giảm sự phụ thuộc của sản xuất vào thời tiết và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm mỳ gạo tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên.

- Nội dung phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Tổ chức bình chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, gửi sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; tham gia hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc tại thành phố Hải Phòng; xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu “Vân hương mỹ tửu” cho rượu làng Vân.

- Nội dung tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn: Tư vấn thiết kế, in ấn mẫu mã, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói cho các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản...

- Bên cạnh đó, triển khai đề án thống kê, xác định vị trí, ranh giới, diện tích quy hoạch; đo khoanh vùng, cắm mốc tại thực địa các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm thực hiện kế hoạch số 54-KH/TU ngày 09/10/2018 của Tỉnh ủy và kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh./.

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 4,468
Tổng số trong ngày: 21,325
Tổng số trong tuần: 54,382
Tổng số trong tháng: 357,758
Tổng số trong năm: 1,036,105
Tổng số truy cập: 14,514,562