Đẩy mạnh thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhằm nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về an toàn, vệ sinh lao động, từ đó chủ động triển khai áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống có nguy cơ dẫn đến mất an toàn lao động và giảm tối đa tai nạn lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.

Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động. Tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận thông tin về những vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa. Đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao. Nâng cao hiệu quả, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân hằng năm.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ.

Ba là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong thực tiễn, chú trọng chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan; chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động; biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố tai nạn lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, tiếp cận tiêu chuẩn thế giới.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm; thực hiện tốt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia với các nước.

Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bệnh nghề nghiệp...

Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khoẻ người lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Sáu là, tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lồng ghép nội dung an toàn, vệ sinh lao động trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng đóng, hưởng linh hoạt, nâng mức hưởng, mức hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng bảo đảm ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành lao động, y tế, môi trường với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng khu vực không có quan hệ lao động. Kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động./.

Thông tin chi tiết xem tại đây:

Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới;

Nguyễn Thị Ngọc Mai - P.KTAT&MT

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,842
Tổng số trong ngày: 491
Tổng số trong tuần: 12,974
Tổng số trong tháng: 390,978
Tổng số trong năm: 1,069,325
Tổng số truy cập: 14,547,782