“Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 21/8/2019 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Ban kinh tế trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng phát biểu

Tại diễn đàn, các đại biểu đã báo cáo một cách trung thực, khách quan về hiện trạng và thực tế sử dụng năng lượng tại Việt Nam và những năm tới. Theo báo cáo của Bộ Công Thương tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%. Vì vậy tiết kiệm năng lượng là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm tải cho ngành năng lượng.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 thì đến năm 2030, sẽ phấn đấu giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6%, mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018: Ngành thép từ 5 - 16,5%; hóa chất hơn 10%; xi măng gần 11%; nhựa từ 21,55 – 24,81%, dệt may trên 6.8%. Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70 - 90% được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong ngành giao thông vận tải giảm 5% tiêu thụ xăng dầu. Dán nhãn năng lượng 50% các sản phẩm vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt. Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 5.000 chuyên gia QLNL/TKNL. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình SDNL TK&HQ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ  "Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm".

Nếu theo kịch này  thì nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh). Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động) nhu cầu đến năm 2020 sẽ vào khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện. Trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn cho thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ. Do đó cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tốt nhất.

Kết luận Diễn đàn, ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có sự đồng thuận cao giữa các Bộ, ngành để thúc đẩy chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó cần khắc phục 4 yếu tố: Nhận thức, cơ chế chính sách, quản lý và khoa học công nghệ trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

Nguyễn Văn Tiến

Average (0 Votes)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 8,356
Total visited in day: 9,399
Total visited in Week: 9,398
Total visited in month: 17,134
Total visited in year: 1,439,807
Total visited: 14,918,264