CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

AEC là gì?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN được thành lập ngày 31/12/2015, hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).

Mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN là nhằm tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN.

 

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có giống Cộng đồng châu Âu không?

Mặc dù được gọi với cái tên “Cộng đồng kinh tế”, AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu (EC) bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC.


AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay một Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới (không bắt buộc) của các nước ASEAN.


Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây (thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN) và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (tiếp tục thực hiện theo lộ trình các Hiệp định, Thỏa thuận đã có và các vấn đề mới, nếu có).

 

Các Hiệp định chính của AEC?

Để hiện thực hóa các mục tiêu của AEC, các nước ASEAN đã đàm phán và ký kết rất nhiều Hiệp định và thỏa thuận khác nhau, đồng thời tham gia hàng loạt các Dự án, Chương trình, Sáng kiến… Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó không có tính ràng buộc thực thi, các nước ASEAN chủ yếu tham gia theo hình thức tự nguyện, hoặc linh hoạt tùy vào trình độ phát triển của nước đó.

Cho tới thời điểm hiện tại, các Hiệp định chính của AEC có tính ràng buộc cao và được thực thi tương đối đầy đủ là:

  1. Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA);
  2. Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS);
  3. Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA);
  4. Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân trong ASEAN (MNP);
  5. Các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong một số lĩnh vực dịch vụ.


 So sánh mức độ tự do hóa về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động trong AEC với WTO và các FTA đã ký của Việt Nam?

- Về tự do hóa hàng hóa: Trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất. Cho đến nay, Việt Nam đã gần hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC.


- Về tự do hóa dịch vụ: các cam kết về dịch vụ trong AEC đều tương tự mức cam kết trong WTO, trong một số gói cam kết dịch vụ gần đây của AEC, mức độ cam kết đã bắt đầu cao hơn so với WTO nhưng không nhiều và cũng phù hợp với mức độ mở cửa thực tế về dịch vụ của Việt Nam.


- Về tự do hóa đầu tư: các cam kết về đầu tư trong AEC toàn diện hơn trong WTO và các FTA đã ký của Việt Nam nhưng cũng phù hợp với các quy định về đầu tư trong pháp luật Việt Nam (việc thực thi các cam kết về đầu tư trong AEC không buộc Việt Nam phải sửa đổi pháp luật trong nước).


- Về tự do hóa lao động: Cho đến nay việc tự do hóa lao động trong AEC mới chỉ dừng lại ở các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về trình độ của lao động có kỹ năng (thông qua xây dựng hệ thống đăng ký hành nghề chung) trong 8 ngành nghề, nhưng cho tới thời điểm hiện tại chỉ có 2 MRA đã được thực thi đầy đủ.

 

Nguyễn Thị Yên - QL XNK

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 13,665
Tổng số trong ngày: 3,976
Tổng số trong tuần: 30,389
Tổng số trong tháng: 58,549
Tổng số trong năm: 1,134,760
Tổng số truy cập: 14,613,217