Hội thảo phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn - Cơ hội từ thị trường ASEAN

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 19/9, Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn - Cơ hội từ thị trường ASEAN. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin mới nhất về thị trường, đồng thời bàn các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn sang thị trường này.

Ngày 19/9, Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn - Cơ hội từ thị trường ASEAN. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin mới nhất về thị trường, đồng thời bàn các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) sang thị trường này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - ông Hoàng Chính Nghĩa nhấn mạnh, xây dựng và phát triển thương hiệu của sản phẩm CNNT là mục tiêu quan trọng trong hoạt động khuyến công. Trong những năm qua, nội dung hoạt động này đã được chú trọng đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với các nội dung khuyến công trọng điểm, công tác phát triển sản phẩm CNNT đã góp phần đưa hoạt động khuyến công trở thành một trong những điểm sáng của ngành thời gian qua, góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho hay: Là nền kinh tế có quy mô đáng kể với 622 triệu người tiêu dùng, tổng GDP đạt 2.600 tỷ USD, ASEAN là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khai thác. Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập với hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ; chi phí giao dịch, thương mại giảm; quy tắc xuất xứ linh hoạt; thủ tục hải quan thuận lợi đã giúp DN dễ dàng hơn trong việc đẩy mạnh hàng hóa sang khu vực này. Hiện hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường ASEAN. Đặc biệt là hàng nông lâm sản, do đáp ứng tốt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng nên rất được tin dùng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ - họa sỹ Vũ Hy Thiều, sản phẩm CNNT của Việt Nam, nhất là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chưa theo được nhịp phát triển với hàng hóa cùng loại trong khu vực. Sản phẩm thường được sản xuất theo lối truyền thống, sử dụng vật liệu cũ, thậm chí sử dụng hóa chất trong sơ chế nguyên liệu, không bảo đảm tiêu chuẩn. DN thường không chú trọng cho khâu nghiên cứu thị trường, thay đổi thiết kế. Do đó, vẫn có tình trạng sản phẩm của các DN na ná nhau, không tạo được sự khác biệt, giá trị hàng hóa không cao. Cùng đó, do sản phẩm CNNT được chủ yếu được sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên độ đồng đều của sản phẩm không cao, rất khó đáp ứng được các đơn hàng lớn. Điều này cũng là một trong những điểm yếu cần khắc phục nhằm tạo chỗ đứng vững chắc hơn cho sản phẩm CNNT.

Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan, đơn vị như: Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và các cơ sở CNNT đã trao đổi ý kiến nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công, phát triển sản phẩm CNNT trong thời kỳ hội nhập. Theo đó, phải tiếp tục khuyến khích các cơ sở CNNT không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chú trọng đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu, tăng cường quảng bá xúc tiến thị trường cơ hội tại các quốc gia ASEAN./.

Phương Nga (Phòng QLCN)

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 21,513
Tổng số trong ngày: 8,282
Tổng số trong tuần: 17,707
Tổng số trong tháng: 25,443
Tổng số trong năm: 1,448,116
Tổng số truy cập: 14,926,573