Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019.

Mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khái thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP

(i) Tăng cường phổ biến về Hiệp định CPTPP cho các đối tượng có liên quan (nhân dân, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ) thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

(ii) Chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường... về các cam kết cụ thể có liên quan trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm hiếu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

(iii) Thiết lập Đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP nói riêng và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định CPTPP và các FTA mà Việt Nam tham gia.

(iv) Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại - đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước đối tác CPTPP nói riêng và các đối tác nói chung, cũng như dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

(i) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.

(ii) Tổ chức áp dụng trực tiếp các cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết được quy định trong Phụ lục 2 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan.

(iii) Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của Hiệp định CPTPP. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện các cam kết đúng thời hạn, áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn hoặc trình Quốc hội quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

(iv) Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiệp định CPTPP.

(v) Đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

(vi) Tiếp tục phối hợp với các nước thành viên CPTPP để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định (như thành lập và hoạt động của Hội đồng, các Ủy ban chuyên môn, Nhóm công tác, các thiết chế về giải quyết tranh chấp...).

(vii) Chỉ định và thông báo về cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia Hội đồng CPTPP, các Ủy ban chuyên môn, các nhóm công tác theo từng Chương của Hiệp định; thông tin liên lạc; thực thi Hiệp định; đàm phán kết nạp thành viên mới; và điều phối việc tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài trong quá trình thực thi Hiệp định.

(viii) Kiện toàn, củng cố các cơ quan phụ trách việc thực thi Hiệp định CPTPP tại các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước địa phương để phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Hiệp định, đảm bảo việc thực thi được hiệu quả và đầy đủ.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

(i) Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

(ii) Đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

(iii) Xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường...) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.

(iv) Tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu về nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

(v) Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường.

(vi) Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, triển khai biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất.

(vii) Tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.

(viii) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính...

(ix) Tiến hành đánh giá định lượng những tác động của Hiệp định CPTPP đối với các ngành sản xuất, cung cấp dịch vụ để từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành này.

4. Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp

(i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

(ii) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức công đoàn để đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm củng cố, nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức công đoàn.

(iii) Tăng cường quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công; tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hoạt động không vì mục đích chính trị, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

(iv) Kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước có chức năng quản lý việc thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.

5. Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

(i) Xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm... để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh.

(ii) Đánh giá những tác động của Hiệp định CPTPP đến vấn đề lao động, việc làm, xã hội... và đề xuất các giải pháp để có thể thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP.

(iii) Tiếp tục thúc đẩy thực thi đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định đa phương về môi trường, bảo tồn và bảo vệ động thực vật hoang dã mà Việt Nam đã tham gia. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

(iv) Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp chống lại các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo đúng quy định và thương mại động thực vật hoang dã bị khai thác trái phép.

(v) Xây dựng và ban hành đồng bộ các quy định, chính sách và chương trình có liên quan nhằm thực thi cam kết về xóa bỏ trợ cấp khai thác thủy sản có tác động xấu đến nguồn lợi hải sản trong tình trạng bị khai thác quá mức.

Trên cơ sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình, gửi Bộ Công Thương trước ngày 01/3/2019 để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Sở Công Thương Bắc Giang

Average (0 Votes)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 15,799
Total visited in day: 8,252
Total visited in Week: 14,824
Total visited in month: 250,331
Total visited in year: 1,326,542
Total visited: 14,804,999