Nâng cao công tác kiểm soát xung đột lợi ích trong công tác phòng chống tham nhũng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Người chức có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu trong các trường hợp sau đây:

(1) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

(2) Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.

(3) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.

(4) Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

(5) Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.

(6) Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

(7) Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình.

(8) Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.

(9) Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác.

Để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm soát xung đột lợi ích, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Sở khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không đảm bảo tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp theo qui định của Luật PCTN như: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác.

Thứ hai, nâng cao quả hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN năm 2018, các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan đã được ban hành tại Kế hoạch số 62/KH-SCT ngày 15/12/2022 của Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang về kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023; tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức và người lao động, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt các trường hợp có nguy cơ, dấu hiệu về xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, đồng thời thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về kiểm soát, xử lý xung đột lợi ích theo đúng quy định.

Thứ tư, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện khuyến khích công chức, viên chức và người lao động tích cực tham gia phát hiện, dấu hiệu, nguy cơ về xung đột lợi ích trong cơ quan, đơn vị./.

                                     Thanh tra Sở Công Thương

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 11,666
Tổng số trong ngày: 1,629
Tổng số trong tuần: 7,694
Tổng số trong tháng: 385,698
Tổng số trong năm: 1,064,045
Tổng số truy cập: 14,542,502