Ngành Công Thương- Kết quả thực hiện giai đoạn đầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Giai đoạn đầu của kỳ 2021-2025 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức hơn so với năm 2020. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển KTXH và đời sống người dân. Có thời điểm Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất của cả nước với đặc điểm lây lan tốc độ rất nhanh trong các Khu công nghiệp (KCN) với số người nhiễm lớn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bắc Giang bước vào giai đoạn phục hồi thị trường, đời sống sinh hoạt của nhân dân ổn định trong trạng thái bình thường mới. Kinh tế của tỉnh từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn; hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp quan trọng và dịch vụ đã quay trở lại hoạt động. Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ. Giá trị xuất nhập khẩu tăng cao. Thu ngân sách đạt kết quả khá. Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Các hoạt động văn hóa, xã hội từng bước được khôi phục.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch rõ rết; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng một cách rõ nét (tăng 38,2% so với cùng kỳ). Hạ tầng cụm công nghiệp được quan tâm quy hoạch, đầu tư đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng (32/47 CCN có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng). Phát triển công nghiệp đã góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Hàng năm, các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp tạo thêm việc làm mới cho hàng vạn lao động địa phương. Các dự án đã thu hút lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Bên cạnh đó, thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghiệp, người lao động đã từng bước hình thành tác phong lao động công nghiệp, có ý thức, kỷ luật lao động, học hỏi được các phương thức lao động tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động quản lý chú trọng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động kết nối các doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho chuỗi sản xuất chế biến và xuất khẩu.

Hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; nhiều đoàn doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, mở ra nhiều nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Kết cấu hạ tầng thương mại được hoàn thiện, nhiều chợ được đầu tư nâng cấp mở rộng, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đã và đang từng bước được đầu tư đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Hoạt động khuyến công ngày càng đi vào chiều sâu, đã tác động tích cực đến các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong việc tiếp cận với các quy trình, công nghệ mới để từng bước nâng cao được năng suất, nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kết quả cụ thể:

Về công nghiệp: Năm 2021, tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang có mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2021 tăng 6,7% so với năm 2020. Trong đó so với cùng kỳ năm trước: ngành khai khoáng tăng 3,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 12,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) năm 2021 đạt 302.084 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2020; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) năm 2021 đạt 258.092 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2020. Năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang có mức tăng trưởng bứt phá so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2022 có mức tăng trưởng 31,5% so với năm 2021. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước: ngành khai khoáng bằng 88,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 33,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 6,60%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) năm 2022 đạt 407.928 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) năm 2022 đạt 341.632 tỷ đồng, tăng 34,0% so với năm 2021.

6 tháng đầu năm 2023 dự tính giá trị SXCN (theo giá thực tế) ước đạt 238.782 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 47% so với kế hoạch năm. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 38.605 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm ước đạt 194.477 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1.013 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến 6 tháng đầu năm ước đạt 236.055 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước 6 tháng đầu năm ước đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 39,1% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải 6 tháng đầu năm ước đạt 274 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Về Thương mại nội địa: Giá trị sản xuất dịch vụ (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt 43.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch năm 2021; Giá trị sản xuất dịch vụ (theo giá so sánh 2010) năm 2021 ước đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2020, đạt 100% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất dịch vụ (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 47.526 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, tăng 3,0% so với kế hoạch năm 2021; Giá trị sản xuất dịch vụ (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước đạt 28.031 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, tăng 2,0% so với kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2021 đạt 34.032 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ; tăng 4,7% so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2022 đạt 40.045 tỷ đồng, tăng 20,8% so cùng kỳ; tăng 9,7% so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27.078 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ, đạt 66,9% so với kế hoạch năm.

Về xuất nhập khẩu:

Về xuất khẩu: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 14.800 triệu USD; tăng 32,2% so với năm 2020; bằng 100% so với kế hoạch năm. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có mức tăng trưởng ngoạn mục, đạt 22.619 triệu USD; tăng 42,5% so với năm 2021; tăng 17,8 % so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm ước đạt 10.355 triệu USD, đạt 38,3% so với kế hoạch năm.

Về nhập khẩu: Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 13.800 triệu USD; tăng 30,6% so với năm 2020; tăng 3,8 % so với kế hoạch năm. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 20.836 triệu USD; tăng 36,3 % so với năm 2021; tăng 12,6 % so với kế hoạch năm. Quý /2023, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 4.572 triệu USD; tăng 3,0 % so với cùng kỳ; ước đạt bằng 18,3 % so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm ước đạt  9.338 triệu USD, đạt 37,3% kế hoạch năm.

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đến hết nhiệm kỳ

Giai đoạn 2023 - 2025, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những bất ổn về chính trị, tranh chấp lãnh thổ, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh hưởng của đại dịch Covid nặng nề, nền kinh tế dần phục hồi, giá cả một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu không ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp và mặt bằng giá cả, giảm hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, giai đoạn 2023 - 2025 cũng có nhiều thuận lợi khi thế và lực nước ta sau hơn 30 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết, cũng như việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng, phát triển kinh tế. Hơn nữa, tỉnh ta có nguồn nhân lực khá dồi dào, tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn ổn định, những kết quả đầu tư trong thời gian qua sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Mục tiêu tổng quát:

Hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngành Công Thương triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để những định hướng chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển công nghiệp - thương mại. Trong đó, trọng tâm là theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Chủ động bám sát doanh nghiệp, tham mưu đề xuất cụ thể với UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án công nghiệp và trong sản xuất kinh doanh; tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Mặt khác, ngành Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương mạị. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án đảm bảo về năng lực, tính khả thi cao, có dây chuyền và sử dụng công nghệ tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, hài hòa lợi ích giữa nhà máy với người sản xuất nguyên liệu, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch thuộc lĩnh vực công thương; tăng cường công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp để khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được tiếp cận về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Về hoạt động thương mại, ngành xác định một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Bắc Giang và trung tâm các huyện; phối hợp thực hiện phát triển, nâng cấp các chợ nông thôn tại các nơi có điều kiện. Triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng quản lý chặt chẽ hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và bán hàng đa cấp, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng sẽ tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Kịp thời thông tin biến động của thị trường, tìm kiếm cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Song song với các giải pháp đẩy mạnh phát triển hoạt động công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân trong việc thực thi các nhiệm vụ công tác của ngành.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

Về phát triển kinh tế

- Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 602.227 tỷ đồng (tính theo giá so sánh 2010); tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2025) đạt 21,5%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 53.500 tỷ đồng (tính theo giá thực tế), tốc độ tăng bình quân (giai đoạn 2021 - 2025) đạt 12%/năm.

- Giá trị xuất khẩu đạt 38.893 triệu USD, tốc độ tăng bình quân (giai đoạn 2021 - 2025) đạt 19%/năm.

- Giá trị nhập khẩu đạt 35.436 triệu USD, tốc độ tăng bình quân (giai đoạn 2021 - 2025) đạt 18%/năm.

Các nhiệm vụ chính, trọng tâm:

- Chủ động và nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển công thương trên địa bàn;

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và các yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh để kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển bền vững;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường;

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu;

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công thương; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch. Các giải pháp tập trung sau:

1. Tập trung làm tốt công tác dự báo; chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực của ngành

Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, bám sát và nắm chắc tình hình, điều hành linh hoạt với các giải pháp phù hợp, cụ thể; tập trung lãnh chỉ đạo toàn ngành Công Thương; phát huy sức mạnh tập thể giải quyết công việc đúng thẩm quyền, chủ động, sáng tạo đồng thời đề cao tinh thần phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của ngành đề ra và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tăng cường công tác tham mưu với UBND tỉnh nhằm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành; theo dõi sự tác động của cơ chế, chính sách; kịp thời đề xuất điều chỉnh nhằm bảo đảm cơ chế, chính sách phát huy được hiệu quả khi áp dụng vào thực tế; đề xuất xây dựng chính sách mới, phù hợp với điều kiện khách quan và nhu cầu phát triển...

2. Tiếp tục tăng cường đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định 

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thường xuyên trao đổi thông tin cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương hướng giải quyết.

Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp và đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Quan tâm giải quyết ách tắc trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khai thác tối đa năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

3. Nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp

Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở trong nước.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới.

Hoàn thiện hạ tầng các CCN; tích cực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; tham mưu tốt và hoàn thành kế hoạch đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp về hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các Cụm công nghiệp đi vào hoạt động theo kế hoạch đã đề ra.

4. Làm tốt công tác thương mại, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các ngành liên quan tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu phía đối tác ngay tại nơi sản xuất. Đồng thời hướng dẫn, triển khai tốt công tác truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng cũng như các yêu cầu liên quan đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, tránh ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.

Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu: Chủ động kết nối với các tập đoàn, kênh phân phối, các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, các vùng lân cận để tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân (vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ, rau chế biến, rau an toàn…).

Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết; kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng có hiệu quả phương thức kinh doanh này. Đẩy nhanh triển khai hoạt động thống kê thương mại điện tử, xây dựng mô hình thương mại điện tử phù hợp với trình độ của các doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

5. Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công thương và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng

Tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, qua đó thực hiện đơn giản hóa các quy định, TTHC hiện hành của Sở theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công thương, trọng tâm là các lĩnh vực dễ gây bức xúc cho người dân như: quản lý điện, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; quản lý các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại có điều kiện… Thực hiện nghiêm túc lịch tiếp dân theo quy định, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh (nếu có) sau mỗi kỳ tiếp dân.

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, chuyển biến tư duy từ quản lý hành chính sang tư duy phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức phục vụ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; góp phần nâng cao tín nhiệm của ngành và của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức toàn ngành. Thường xuyên kiểm tra ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý tài chính, cấp phép.

Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,607
Tổng số trong ngày: 8,147
Tổng số trong tuần: 71,004
Tổng số trong tháng: 152,794
Tổng số trong năm: 1,229,005
Tổng số truy cập: 14,707,462