Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép, phế liệu nhựa và phế liệu giấy nhập khẩu

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 14/9/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Ngày 14/9/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT 03 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, bao gồm:

1. QCVN 31:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;

2. QCVN 32:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;

3. QCVN 33:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo các Quy chuẩn trên, quy định về phế liệu sắt, thép, phế liệu nhựa và phế liệu giấy được phép nhập khẩu và không được phép nhập khẩu như sau:

Quy định về loại phế liệu sắt, thép được phép nhập khẩu

1. Đoạn thanh, đoạn ống, đầu mẩu, đầu tấm, đầu cắt, phoi, sợi, khối, thỏi, mảnh vụn bằng sắt, thép hoặc gang được loại ra từ các quá trình sản xuất, gia công kim loại hoặc các quá trình sản xuất khác.

2. Thép đường ray, thép tà vẹt, thép tấm, thép lá, thép tròn, thép hình, thép ống, thỏi đúc, lưới thép đã qua sử dụng.

3. Sắt, thép hoặc gang được lựa chọn, thu hồi từ công trình xây dựng, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị và các sản phẩm khác sau khi đã cắt phá, tháo dỡ tại nước ngoài hoặc lãnh thổ xuất khẩu để loại bỏ các tạp chất, vật liệu cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Sắt, thép đã qua sử dụng còn bám dính một số tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu.

Quy định về loại phế liệu sắt, thép không được phép nhập khẩu

1. Vỏ bao bì, thùng phuy, lon, hộp và đồ chứa khác bằng sắt, thép đã qua sử dụng được ép thành khối, cục hay đóng thành kiện và bánh.

2. Vỏ bao bì, thùng phuy, lon, hộp và đồ chứa khác bằng sắt, thép đã qua sử dụng để chứa dầu, nhớt, mỡ, hóa chất, nhựa đường, thực phẩm mà chưa được làm sạch để đáp ứng các quy định về tạp chất không được lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu và tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu.

3. Phế liệu là sắt, thép nhập khẩu có mức nồng độ hoạt độ phóng xạ và mức nhiễm xạ bề mặt của kim loại vượt quá mức quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng (Phụ lục IV - mức nồng độ hoạt độ phóng xạ và nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại cho phép được tái chế).

Quy định về loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu

1. Nhựa được loại ra từ các quá trình sản xuất mà chưa qua sử dụng.

2. Bao bì bằng nhựa (PET) đựng nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng. Bao bì bằng nhựa (PET) đựng nước uống có ga đã qua sử dụng và đã được loại bỏ hoàn toàn chất lỏng bên trong.

3. Nhựa đã qua sử dụng ở một trong các dạng: khối, cục, thanh, dây, dải, băng, màng, nẹp, khay, tấm, lá, pallet, két nhựa; bao jumbo đã được cắt tạo thành dải, tấm hoặc băng. Đối với phế liệu nhựa nhập khẩu dạng màng phải thực hiện lấy mẫu, phân tích xác định tỷ lệ tạp chất xác định tỷ lệ các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm và xác định thành phần tạp chất.

4. Các loại nhựa khác không thuộc các Mục 1, 2 và 3 nêu trên phải được băm, cắt thành mẩu vụn và làm sạch để loại bỏ các tạp chất (kích thước mỗi chiều của mẩu vụn không quá 10 cm, tỷ lệ các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm không vượt quá 5% khối lượng của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu).

5. Các loại nhựa quy định tại các Mục 1, 2, 3 và 4 nêu trên phải đáp ứng yêu cầu quy định về tạp chất không được lẫn trong phế liệu nhựa nhập khẩu.

Quy định về loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu

1. Các loại nhựa đã qua sử dụng mà không được băm, cắt thành mẩu vụn và làm sạch để loại bỏ các tạp chất như quy định tại Mục 4 nêu trên (trừ các loại nhựa quy định tại các Mục 1, 2 và 3).

2. Vỏ nhựa của các thiết bị, đồ dùng điện tử đã qua sử dụng, như: tivi, máy tính, thiết bị văn phòng... có thành phần chất chống cháy (hợp chất PBDE (PolyBrominated Diphenyl Ether), hợp chất PBB (PolyBrominated Biphenyl)), các hợp chất gốc phthalate, chì, cadimi, thủy ngân và crom (VI).

3. Nhựa đã bị cháy dở.

Quy định về loại phế liệu giấy được phép nhập khẩu

1. Các loại phế liệu giấy (bao gồm cả các loại giấy đã được tráng phủ bề mặt) và các tông, được lựa chọn, phân loại từ giấy và các tông đã qua sử dụng hoặc bị loại ra trong quá trình sản xuất, phân loại, gia công, in ấn được sử dụng để tái sản xuất thành giấy và các tông.

2. Các loại giấy quy định tại Mục 1 nêu trên phải đáp ứng yêu cầu quy định về tạp chất không được lẫn trong phế liệu giấy nhập khẩu.

Quy định về loại phế liệu giấy không được phép nhập khẩu

1. Vỏ bao bì giấy đã qua sử dụng để chứa dầu, nhớt, mỡ, hóa chất, thực phẩm; các loại bao bì giấy còn đóng kín.

2. Giấy hoặc các tông đã qua sử dụng có thành phần chất chống cháy (hợp chất PBDE (PolyBrominated Diphenyl Ether), hợp chất PBB (PolyBrominated Biphenyl), các hợp chất gốc phthalate).

3. Giấy hoặc các tông đã bị cháy dở.

Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10/2018 và thay thế Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường./.

Sở Công Thương Bắc Giang

 

Average (0 Votes)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 15,251
Total visited in day: 11,254
Total visited in Week: 17,826
Total visited in month: 253,333
Total visited in year: 1,329,544
Total visited: 14,808,001