Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong trong lĩnh vực thủy sản

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Nghị định quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là một năm; trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu tàu cá, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm.

Về hình thức xử phạt, đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Bên cạnh đó, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: (i) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn; (ii) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, bao gồm: Tàu cá, ngư cụ, công cụ kích điện, chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc, thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác, giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Về mức phạt tiền, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định cũng quy định rõ hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính: Vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vi phạm quy định về giống thủy sản; vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về khai thác thủy sản; vi phạm quy định về tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; vi phạm quy định về thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.

Bên cạnh đó, quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản thị trường, Thanh tra, Kiểm ngư.

Nghị định số 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2019 và thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Chi tiết Nghị định xem tại đây./.

Sở Công Thương Bắc Giang

Average (0 Votes)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 12,287
Total visited in day: 15,890
Total visited in Week: 22,462
Total visited in month: 257,969
Total visited in year: 1,334,180
Total visited: 14,812,637