Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…. Trước thực trạng trên, ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định bao gồm: Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác; Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu; Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường gồm:

- Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 2, điều 82 Nghị định; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này, trừ biện pháp quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 4 của Nghị định.

- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b, khoản 3, điều 82 Nghị định; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;  Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;  Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.

Đức Long - VPS

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,508
Tổng số trong ngày: 46,481
Tổng số trong tuần: 109,338
Tổng số trong tháng: 191,128
Tổng số trong năm: 1,267,339
Tổng số truy cập: 14,745,796