Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều ngày 09/10/2023, Sở Công Thương tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân lĩnh vực công thương nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945-13/10/2023)

Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội các DN cơ khí tỉnh, Công ty Điện lực tỉnh và hơn 50 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Tại Hội nghị, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình, kết quả của ngành Công Thương 9 tháng năm 2023.

Tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực 

Theo nhận định của ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, 9 tháng năm 2023, nhìn chung các chỉ tiêu của ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn cùng kỳ, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tăng trưởng liên tục, quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 8,4%, quý II tăng 13,5%, quý III tăng 14,59%); tính chung 9 tháng tăng 12,25%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 15,49% (công nghiệp tăng 16,62%); dịch vụ tăng 6,06%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,77%, thuế sản phẩm tăng 5,64%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 8,8% so với tháng trước; Chỉ số 9 tháng tăng 17,4% so với cùng kỳ. Quy mô sản xuất công nghiệp của Bắc Giang ngày càng mở rộng, các DN công nghiệp có sự gia tăng về số lượng, nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, góp phần làm gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp 09 tháng đạt 381.950 tỷ đồng, tăng 20,4 % so cùng kỳ, đạt 75,2% so với kế hoạch. Đặc biệt có nhiều dự án đầu tư, mở rộng đi vào sản xuất tạo ra năng lực mới cho tỉnh như: Công ty Luxshare Quang Châu nâng cấp mở rộng; nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 (đây là Dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc)... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 09 tháng đạt 41.573 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ; vượt 2,6% kế hoạch. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 0,4%.

Hệ thống phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp đến mọi tầng lớp người dân, trong đó ưu tiên khu vực KCN, CCN nơi tập trung đông CNLĐ. Mạng lưới chợ đã từng bước được sắp xếp lại ngành hàng để phát huy công năng sử dụng. Các chợ nông thôn, cửa hàng tiện lợi, hệ thống Winmart+ tại Bắc Giang đã phát huy hiệu quả, làm đầu mối phân bổ, điều phối luồng hàng, ổn định giá cả.

Công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường và đạt hiệu quả tích cực, góp phần lưu thông hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh sang thị trường quốc tế.

Còn những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những mặt đạt được, ông Trần Quang Tấn cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Kinh tế thế giới suy giảm ảnh hưởng đến tiêu dùng toàn cầu, hàng hoá sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ; chi phí đầu vào biến động (giá xăng dầu tăng cao) ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hoá trong tỉnh. Sản xuất công nghiệp chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của tỉnh; đặc biệt, sự tăng trưởng của sản xuất  ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu phụ thuộc vào khối DN FDI; DN sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn còn chưa cao. 

Chi phí đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn  có xu hướng gia tăng, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bị thu hẹp, giá thuê đất ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cho phát triển công nghiệp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển công nghiệp. Thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp trong các KCN, CCN để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, tính liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp các ngành, DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các DN còn rất nhiều hạn chế.

Lắng nghe, chủ động tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Hội nghị gặp mặt, đối thoại các doanh nghiệp năm nay là dịp để các sở ngành, địa phương cùng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý, DN gặp gỡ trao đổi thông tin, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tạo đà cho phát triển kinh tế.  

Tại hội nghị, các vấn đề nóng về hoạt động của ngành Công Thương được đưa ra bàn thảo như lĩnh vực điện, năng lượng mặt trời, lưu thông hàng hóa, kết nối giao thương, xuất khẩu, đầu tư hạ tầng, quản lý hóa chất, công tác khuyến công...

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo Công ty Điện lực Bắc Giang đã giải đáp những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đầu tư hạ tầng CCN, điện, năng lượng mặt trời, xúc tiến thương mại, hỗ trợ khuyến công, thương mại điện tử …Các ý kiến, kiến nghị đã được giải đáp đầy đủ, thoả đáng tạo niềm tin, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với Sở Công Thương./.

THÂN HÀO- PCVP SỞ CÔNG THƯƠNG

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,138
Tổng số trong ngày: 1,175
Tổng số trong tuần: 27,588
Tổng số trong tháng: 55,748
Tổng số trong năm: 1,131,959
Tổng số truy cập: 14,610,416