Tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường tỉnh Bắc Giang tháng 01 năm 2024

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bước vào thực hiện kế hoạch năm 2024, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn khi sức mua của dân cư có dấu hiệu chững lại, nhưng nhờ quy mô kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng nên các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 01/2024 diễn ra khá sôi động do đây là tháng giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Hoạt động lưu chuyển, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đẩy mạnh, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm thường diễn ra các sự kiện tổng kết, cưới hỏi nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác cũng có xu hướng tăng cao hơn các tháng trước. Hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng đã tạo điều kiện cho hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm, các đồ dùng gia đình… đều được lưu thông dễ dàng, vật liệu xây dựng được vận chuyển đáp ứng tiến độ hoàn thiện cho các công trình, dự án.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01/2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.602 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước; tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa ở hầu hết các nhóm hàng đều có mức tăng so với tháng trước ước đạt trên 4.012 tỷ đồng, tăng 2,26% so tháng trước và tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Biến động doanh thu một số nhóm hàng như sau: (1) Nhóm hàng lương thực, thực phẩm: Nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các mặt hàng lương thực, thực phẩm tháng cuối năm (AL) gia tăng hơn so với các tháng trước. Nguyên nhân do trong tháng thường diễn ra các buổi tổng kết, tất niên, hội nghị cuối năm của các tổ chức, gia đình… Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa cơ bản giữ ở mức ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến nhờ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, chủ động nguồn cung và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Ước tính doanh thu bán lẻ nhóm hàng lương thực, thực phẩm tháng 01 trên địa bàn tỉnh đạt 1.292,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng khá cao 18,02% so cùng tháng năm trước; (2) Nhóm hàng may mặc: Tháng này, nhu cầu mua sắm hàng may mặc của người dân cũng gia tăng hơn so với các tháng trước, cùng với nhiều chính sách giảm giá kích cầu của các nhà bán lẻ, các đại lý hãng thời trang đã góp phần kích cầu tiêu dùng. Trong đó, các cơ sở kinh doanh cá thể, doanh thu bán hàng may mặc tháng này cũng có xu hướng tăng cao hơn. Ước tính doanh thu nhóm hàng may mặc tháng 01 đạt 209,8 tỷ đồng, tăng 5,13% so với tháng trước và tăng 9,44% so với cùng tháng năm trước; (3) Nhóm đồ dụng cụ, trang thiết bị gia đình: Đây cũng là một nhóm ngành ước đạt doanh thu cao so với tháng trước, đạt 475,9 tỷ đồng, tăng 7,38% so với tháng trước và tăng 5,12% so cùng kỳ. Do là tháng cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, thay mới đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng cao, nhất là khi có các chiến dịch giảm giá đặc biệt, hấp dẫn người tiêu dùng; (4) Nhóm bán lẻ ô tô, mô tô, các phương tiện đi lại và sửa chữa: Mặc dù, chính sách ưu đãi trước bạ 50% dành cho xe lắp ráp trong nước theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực, đã khiến doanh số xe bán trong tháng đầu năm không được như kỳ vọng, nhưng do có nhiều khách hàng có nhu cầu mua xe “đi Tết” đã tranh thủ đặt xe từ tháng 12-2023 để kịp tận dụng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, các đại lý ô tô tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các chương trình để kích cầu người tiêu dùng, với nhiều chương trình “quà tặng” tương đương 100% phí trước bạ; một số mẫu xe điều chỉnh giảm giá bán, do trình làng các mẫu xe mới, các cơ sở kinh doanh xe cũ cũng điều chỉnh giảm giá bán. Ước doanh thu nhóm bán lẻ ô tô con đạt 328,5 tỷ đồng, tăng 3,44% so với tháng trước và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm phương tiện đi lại trừ ô tô con ước đạt doanh thu tăng 4% so với tháng trước, tăng gần 5% so với cùng tháng năm trước. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong thời gian từ 01/01/2024 đến hết 30/6/2024. Theo đó, các xe mô tô có dung tích động cơ dưới 125cc có thể tiếp tục được giảm VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tạo thêm “xung lực” cho nhóm phương tiện đi lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại gia tăng, cùng với tâm lý đảm bảo an toàn di chuyển trên phương tiện của mình trong dịp Tết, nên việc bảo dưỡng, sửa chữa xe có động cơ cũng được người tiêu dùng quan tâm hơn. Doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 104,1 tỷ đồng, tăng 6,23% so với tháng trước, tăng 9,53% so với cùng tháng năm trước; (5) Nhóm nhiên liệu như xăng dầu các loại, nhiên liệu khác: Trong tháng, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần theo xu hướng biến động của thị trường thế giới, nhưng mức tăng giảm không lớn so với tháng trước. Nhưng do nhu cầu vận tải gia tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán, nên doanh thu nhóm này đạt khá, doanh thu ước 620,3 tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước và tăng cao (+28,54%) so cùng kỳ. Nhiên liệu khác, nhu cầu sử dụng cũng tăng hơn, nên doanh thu tăng gần 4% so tháng trước và tăng hơn 19% so cùng kỳ năm trước; (6) Nhóm đá quý, kim loại quý: Giá vàng tiếp tục neo ở mức cao và dự báo còn trong xu hướng tăng khi tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp diễn, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán gặp không ít khó khăn và rủi ro cao; trong khi lãi suất tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng và tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm và giữ ở mức thấp, nên nhu cầu “lướt sóng” đầu tư và tích trữ vàng của người dân gia tăng từ các tháng trước (tháng 11 và 12/2023). Sang tháng 01/2024 có dấu hiệu chững lại khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng, nên doanh thu nhóm hàng này ước đạt 39,5 tỷ đồng, chỉ tăng gần 1% so với tháng trước và tăng gần 10% so cùng kỳ năm trước; (7) Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng: ước doanh thu đạt 760,1 tỷ đồng, giảm 6,73% so tháng trước do nhiều công trình đã đi vào hoàn thiện hoặc dừng thi công để nghỉ Tết, nhưng vẫn tăng 9,27% so cùng tháng năm trước (do năm trước là thời điểm Tết). Nhóm vật phẩm, văn hóa giáo dục cũng qua tháng cao điểm, đồng thời nhu cầu tiêu dùng của dân cư ở mức thấp do không phải hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, nên doanh thu nhóm này giảm 2,67% so tháng trước và tăng 6,29% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể giá của một số nhóm hàng thực phẩm, công nghệ phẩm như sau:

- Nhóm hàng lương thực: Trong tháng, giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng; cụ thể giá trung bình như sau: gạo khang dân: 20.000/kg; gạo tám thơm: 24.800 đ/kg; gạo nếp: 35.000 đ/kg.

- Nhóm hàng rau, củ, quả: Qua khảo sát tình hình thực tế tại một số chợ trên địa bàn, giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm ở mức ổn định; giá một số loại rau, củ, quả như Su hào, cải các loại khoảng 7-9 nghìn đồng/kg; cà chua 7-9 nghìn đồng/kg, đậu cove 7-8 nghìn đồng/kg, khoai tây 8-10 nghìn đồng/kg, ngô ngọt 7-9 nghìn đồng/kg.

- Nhóm thực phẩm tươi sống: Giữ ở mức ổn định, không có thay đổi lớn về giá; cá quả: 100.000đ/kg; giá gà lông màu khoảng 58.000 - 65.000 đ/kg; giá lợn hơi, thịt lợn thành phẩm 58.000 - 62.000 đồng/kg.

- Nhóm hàng thực phẩm chế biến và một số mặt hàng như dầu ăn, mỳ chính, bột canh, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, lạc nhân và một số loại đồ hộp đóng sẵn…: Nguồn hàng dồi dào, không có biến động lớn.

- Mặt hàng xăng dầu: Do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới, nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh. Tính đến ngày 19/01, có 03 lần điều chỉnh (ngày 04/01, 11/01, 18/01); sau thời điểm điều chỉnh ngày 18/01/2024 mức giá xăng dầu như sau: RON 95-III: 22.480 đồng/lít, Xăng sinh học E5 RON 92-II: 21.410 đồng/lít; Dầu diesel: 20.194 đồng/lít ; Dầu hỏa 20.536 đồng/lít.

- Mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG): Giá Gas tháng 01/2024 được điều chỉnh như sau: Bình 12kg tăng 5.000đ; bình 45kg tăng 22.500đ; như vậy, mỗi bình gas 12kg bán lẻ tính đến ngày 19/01/2024 ở khoảng 474.000đ

- Giá vàng và đô la Mỹ: Giá vàng chịu tác động mạnh mẽ từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới nên biến động lên xuống mạnh. Vàng SJC hiện vẫn ở mức cao, trong tháng biến động mạnh lên xuống ở mức giá 73,7 76,22 triệu đồng/lượng. Tỷ giá đô la Mỹ niêm yết tại các ngân hàng thương mại dao động ở mức 24,380– 24,395 VND/USD.

Để bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo Kế hoạch số 74/KH-SCT ngày 17/11/2023; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, khả năng dự trữ, cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp, thương nhân trong ngành nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán của người dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý các chương trình, hoạt động khuyến mại, xúc tiến thương mại, các chương trình bán hàng lưu động, thương mại điện tử của các doanh nghiệp dịp trước, trong Tết để đảm bảo các hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh đối với các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Chủ động nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động của các cửa hàng báng lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an tỉnh, Cục QLTT tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện, TP) thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc duy trì bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Quỳnh Anh_Phòng Quản lý Thương mại

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,427
Tổng số trong ngày: 6,558
Tổng số trong tuần: 73,222
Tổng số trong tháng: 376,598
Tổng số trong năm: 1,054,945
Tổng số truy cập: 14,533,402