Tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường tỉnh Bắc Giang tháng 02 năm 2024

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 02/2024 diễn ra sôi động; nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, các hoạt động giao thương hàng hóa, bán buôn, bán lẻ, nhu cầu mua sắm của các gia đình, doanh nghiệp gia tăng, nên doanh thu các nhóm ngành hầu hết đều tăng cao. Không khí mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, cửa hàng bán lẻ,… diễn ra tấp nập. Giá cả các mặt hàng cơ bản không có biến động lớn, nguồn cung dồi dào. Sau kỳ nghỉ Tết, các lễ hội xuân và sự kiện văn hóa, du lịch sẽ được tổ chức ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trọng tâm là Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” được tổ chức 06 ngày, từ ngày 20/02/2024 đến ngày 25/02/2024 (tức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng, năm Giáp Thìn) đã thành công tốt đẹp và thu được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút lượng lớn du khách đến thăm, du xuân tại các điểm du lịch, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đây là động lực góp phần đẩy mạnh sức tiêu thụ của một số loại hàng hóa và dịch vụ có liên quan.

Qua rà soát, nắm bắt tình hình thị trường hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh cho thấy, hàng hóa rất phong phú, mẫu mã đa dạng, số lượng đảm bảo đáp ứng đủ thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, với các phân khúc giá cả khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn, không có hiện tượng khan hiếm hàng trên thị trường; trong đó, tập trung nhu cầu vào các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi,….); thực phẩm chế biến (giò, chả, nem...); thực phẩm công nghệ (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn…); hàng may mặc, giầy dép, mỹ phẩm, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…), hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại… Hàng hóa được phân phối rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới khu vực nông thôn, miền núi, với đa dạng hình thức kinh doanh, đã phát triển thêm các điểm bán hàng tự chọn, bán hàng một giá, đóng túi quà;… Do làm tốt công tác tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên hàng hóa sản xuất trong nước có thương hiệu uy tín và được nhiều người tin dùng lựa chọn, chiếm tỷ lệ trên 80% (trong các siêu thị GO, Co.opmart, hàng hóa phục vụ tết là hàng Việt chiếm trên 95%). Nhìn chung, giá các loại mặt hàng ổn định, không có biến động lớn; hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Do diễn ra kỳ nghỉ Tết kéo dài cùng với phần lớn thời gian của tháng đầu năm Âm lịch, nhu cầu tiêu dùng nhìn chung chững lại, nên doanh thu hầu hết các nhóm hàng đều giảm so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02/2024 ước đạt 3.787,2 tỷ đồng, giảm 5,6% so tháng trước, nhưng vẫn tăng 19,1% so với cùng tháng năm trước. Biến động doanh thu một số nhóm hàng hóa như sau: (1) Nhóm lương thực, thực phẩm: Nhu cầu tiêu thụ và mua sắm những ngày cận Tết Âm lịch gia tăng, cùng với các ngày lễ, hội diễn ra đầu năm góp phần gia tăng doanh thu cho nhóm hàng này. Cùng với sự ổn định của giá cả, doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt trên 1.310 tỷ đồng, tăng nhẹ (1,4%) so với tháng trước và tăng cao (+30%) so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa phục vụ Tết ngày càng đa dạng và phong phú, với sự chủ động về nguồn cung nên hiện tượng khan hiếm hay tăng giá quá cao không xảy ra, đảm bảo tối đa nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Lũy kế 2 tháng, doanh thu nhóm này ước đạt hơn 2.603 tỷ đồng, tăng tới 23,8% so cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất và đóng góp tới 7,45 điểm phần trăm trong mức tăng 16,21% của tổng mức; (2) Nhóm hàng may mặc và đồ dùng, trang thiết bị gia đình: Nhu cầu mua sắm hàng may mặc cũng như đồ dùng trang thiết bị gia đình của người tiêu dùng giảm mạnh sau Tết do hầu hết người dân đã mua sắm các đồ dùng này ở thời gian trước. Bên cạnh đó, các đợt rét đậm rét hại diễn ra ở tháng trước nhiều hơn nên hàng quần áo, trang phục được mua sắm khá sôi động, sau Tết nhu cầu sụt giảm mạnh, nên doanh thu nhóm hàng may mặc ước đạt 175,6 tỷ đồng, giảm 16,8% so với tháng trước; doanh thu nhóm đồ dùng, trang thiết bị gia đình ước đạt 416,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so tháng trước. Tuy nhiên, 2 nhóm hàng này vẫn đạt mức tăng lần lượt là 27,2% và 17,5 % so với cùng tháng năm trước; (3) Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng: Hầu hết các công trình xây dựng đều nỗ lực hoàn thiện trước Tết và tạm dừng trong thời gian diễn ra nghỉ Tết của tháng 2, nên phần lớn các đại lý bán buôn, bán lẻ đồ gỗ, vật liệu xây dựng đều ghi nhận doanh thu giảm so tháng trước. Doanh thu bán lẻ nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 650,1 tỷ đồng, giảm 14,5% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 5,1% so với cùng tháng năm trước do một số vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng có xu hướng tăng giá bán từ đầu tháng sau khoảng thời gian dài duy trì mức giá thấp; (4) Nhóm ô tô con và phương tiện đi lại khác: Doanh thu nhóm này tăng mạnh vào tháng trước do nhu cầu mua sắm trước Tết của người dân, sang tháng 2, nhu cầu mua sắm phương tiện đi lại như ô tô, xe máy giảm, mặc dù giá của nhiều hãng xe đã giảm so với trước đó cùng với những ưu đãi hấp dẫn và các mẫu xe mới ra mắt, nhưng nhìn chung thị trường này trong tháng 2 không duy trì được sự sôi động như tháng 1. Doanh thu nhóm ô tô con và nhóm phương tiện đi lại khác như xe máy, xe đạp điện ước giảm lần lượt 8,2%  và 14,6%  so với tháng trước và lần lượt tăng 4,5% và 8,6% so với cùng tháng năm trước; (5) Doanh thu sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác: Tháng 2, nhu cầu sử dụng dịch vụ sửa chữa phương tiện giảm rõ rệt so với tháng 1. Các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe có động cơ hầu hết được sử dụng nhiều trong tháng trước để đảm bảo an toàn khi vận chuyển, đi lại dịp Tết và lễ hội đầu xuân. Doanh thu nhóm này ước đạt 92,9 tỷ đồng, tuy giảm 10,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 6,2% so với cùng tháng năm trước; (6) Nhóm xăng, dầu các loại và nhóm nhiên liệu khác: Nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân và công cộng dịp Lễ Tết tăng mạnh, cùng với các kỳ điều chỉnh tăng giá trong tháng góp phần tăng thêm doanh thu cho nhóm hàng này. Ước doanh thu nhóm mặt hàng xăng dầu trong tháng 2 đạt 631,0 tỷ đồng, tăng 1,75% so với tháng trước. Giá nhiên liệu khác như gas, than… trong tháng 2 có sự điều chỉnh tăng so với tháng 1, nhưng mức tiêu thụ giảm hơn so với tháng trước, doanh thu nhóm hàng này giảm nhẹ 0,5%. So với cùng tháng năm trước, 2 nhóm mặt hàng xăng dầu và nhiên liệu khác vẫn tăng lần lượt 25% và 21%; (7) Nhóm vàng, bạc đá quý và kim loại quý: Giá vàng vẫn có những biến động tăng giảm đan xen, sau Tết diễn biễn giá vàng có sự sụt giảm nhưng sức hấp dẫn của vàng diễn ra trong năm 2023 vẫn là yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng trong dân. Trong bối cảnh còn nhiều bất ổn và xung đột chính trị trên thế giới, cùng với tâm lý ngại rủi ro khi các kênh đầu tư khác như bất động sản chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ nét, chứng khoán thiếu hấp dẫn, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, hiệu ứng ngày “Vía thần tài” sau Tết cũng làm cho giá vàng bạc và đá quý tăng cao. Ước doanh thu nhóm này trong tháng đạt 40,1 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 19,1% so cùng tháng năm trước.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tháng 02/2024 tăng 1,24% so với tháng trước và tăng 1,88% so với bình quân cùng kỳ, do tác động của một số nhóm hàng: Nhóm hàng chỉ số tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 2,45% (trong đó lương thực tăng 2,31%; ăn uống ngoài gia đình 0,31% và thực phẩm 3,07%); đồ uống và thuốc lá 2,75%; may mặc, mũ nón, giầy dép 0,05%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD 1,02%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,43%; thuốc và thiết bị y tế 0,02%; giao thông 1,73%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,75%; hàng hóa và dịch vụ khác 0,16%(trong đó chỉ số vàng tăng 2,45% và chỉ số đô la Mỹ tăng 0,36%). Nhóm hàng chỉ số giảm so với tháng trước: Bưu chính viễn thông 1,28%; Nhóm hàng Giáo dục giữ nguyên không thay đổi.

Để bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ động có phương án, tham mưu đề xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả; đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng cho người dân. Thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,...; để đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trong tháng 3, Sở sẽ tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 202/KH-UBND tỉnh ngày 14/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Quỳnh Anh-Phòng Quản lý Thương mại

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,725
Tổng số trong ngày: 6,807
Tổng số trong tuần: 73,471
Tổng số trong tháng: 376,847
Tổng số trong năm: 1,055,194
Tổng số truy cập: 14,533,651