Tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường tỉnh Bắc Giang tháng 12 năm 2023

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong Quý IV/2023 nói chung và tháng 12 nói riêng vẫn trong xu hướng ổn định và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tiếp tục mở rộng về quy mô và đạt tốc độ tăng khá (tăng 12,47%). Trong năm, nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định; thị trường hàng hóa và dịch vụ sôi động, lưu chuyển hàng hóa thuận lợi. Các mặt hàng thiết yếu khác không có nhiều biến động lớn, duy trì sự ổn định. Công tác quản lý thị trường được các ngành, các địa phương quan tâm và thực hiện kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc, hiệu quả đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị thường. Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 39.418 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 12,5% so với năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng ước đạt tốc độ tăng doanh thu cao so cùng kỳ đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung, như: lương thực, thực phẩm (+22,5%); xăng dầu các loại (+20,2%); Đá quý, kim loại quý (+9,5%); nhóm hàng hóa khác (+14,1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 12/2023 doanh thu hầu hết các nhóm hàng đều duy trì mức tăng so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.810,8 tỷ đồng, tăng 6,59% so tháng trước và tăng 20,38% so với cùng tháng năm trước. Biến động doanh thu một số nhóm hàng như sau: (1) Nhóm hàng lương thực, thực phẩm: Thời điểm cuối năm, tuy nhu cầu tiêu dùng gia tăng, nhưng g một số mặt hàng thực phẩm không có biến động lớn mà giữ ở mức ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ đã góp phần kích cầu tiêu dùng của người dân. Sở Công thương đã chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá vào dịp cao điểm cuối năm. Doanh thu nhóm hàng này tháng 12 ước đạt 1.093 tỷ đồng,  tăng 7,1% so với tháng trước. Lũy kế cả năm, doanh thu nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 11.241 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm trước, do các yếu tố khách quan đẩy giá gạo và một số mặt hàng lương thực trong nước bình quân năm nay tăng cao so với năm trước; (2) Nhóm hàng may mặc: Bước vào thời điểm mùa đông, mùa cưới, mùa sự kiện cuối năm diễn ra, nên nhu cầu mua sắm hàng may mặc gia tăng. Trong tháng, doanh thu nhóm hàng này ước đạt 192,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,3% so với tháng trước và 15,0%  so cùng tháng năm trước. Ước tính cả năm doanh thu nhóm hàng may mặc đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm trước; (3) Nhóm đồ dụng cụ, trang thiết bị gia đình: Doanh thu tháng 12 ước đạt 443,2 tỷ đồng, tăng 6,21% so với tháng trước và tăng 8,73% so cùng tháng năm trước. Ước tính cả năm, doanh thu nhóm ngành này đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng 5,35% so cùng kỳ ; (4) Nhóm gỗ và VLXD: Giá của nhiều loại vật liệu xây dựng giảm hơn và duy trì ổn định ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở và cải tạo công trình phụ trợ của dân cư cũng gia tăng mạnh trong dịp cuối năm, doanh thu tháng 12 nhóm ngành này ước đạt 815 tỷ đồng, tăng 8,21%  so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng tháng năm trước. Tổng mức bán lẻ cả năm 2023 của nhóm ngành này ước đạt 8.111,3 tỷ đồng, tăng 4,91% so với cùng kỳ; (5) Nhóm xăng, dầu các loại: Giá xăng sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, giảm đan xen theo các kỳ quy định vào thứ Năm hàng tuần của Bộ Công Thương. Nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, nhu cầu đi lại bằng các phương tiện cá nhân cũng tăng hơn ở tháng cuối năm cũng là yếu tố tác động tích cực lên doanh thu bán lẻ nhóm này. Tháng 12, doanh thu của nhóm xăng, dầu ước đạt 614 tỷ đồng, tăng 4,48% so tháng trước và tăng 43,4% so cùng tháng năm trước. Tính chung cả năm, doanh thu nhóm này ước đạt 6.415,4 tỷ đồng, tăng 20,19% so với cùng kỳ; (6) Nhóm hàng đá quý, kim loại quý: Trang sức, đá quý cũng là nhóm mặt hàng ước đạt doanh thu cao so với cùng kỳ do sự tăng lên liên tục của giá vàng, những lo ngại về bất ổn chính trị trên thế giới cũng khiến cho dòng tiền tìm đến kênh đầu tư trú ẩn an toàn, nhu cầu dự trữ tài sản an toàn như vàng bạc tăng lên trong dân. Ước tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ nhóm hàng này đạt 414,9 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tháng 12/2023 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 1,20% so với bình quân cùng kỳ, do tác động của một số nhóm hàng. Nhóm hàng chỉ số giảm so với tháng trước: hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,25% (trong đó lương thực tăng 1,45%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,23% nhưng thực phẩm  giảm 0,6%); Giao thông 2,08%; bưu chính viễn thông 0,68%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,09%. Nhóm hàng chỉ số tăng so với tháng trước: Đồ uống và thuốc lá 0,32%; may mặc, mũ nón, giầy dép 0,03%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD 1,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,93; hàng hóa và dịch vụ khác 0,24%.

- Nhóm hàng lương thực: Trong tháng, giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng; cụ thể giá trung bình như sau: gạo khang dân: 20.000/kg; gạo tám thơm: 24.800 đ/kg; gạo nếp: 35.000 đ/kg.

- Nhóm hàng rau, củ, quả: Qua khảo sát tình hình thực tế tại một số chợ trên địa bàn, giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm ở mức ổn định; giá một số loại rau, củ, quả như Bắp cải 20.000/kg,  Cải bẹ xanh 15.000đ/kg, Xà lách 14.000đ/kg.

- Nhóm thực phẩm tươi sống: Giữ ở mức ổn định, không có thay đổi lớn về giá; cá quả: 100.000đ/kg; giá gà sống khoảng 112.000 đồng/kg; giá lợn hơi, thịt lợn thành phẩm không có biến động lớn.

- Nhóm hàng thực phẩm chế biến và một số mặt hàng như dầu ăn, mỳ chính, bột canh, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, lạc nhân và một số loại đồ hộp đóng sẵn…: Nguồn hàng dồi dào, giá tăng nhẹ, không có biến động lớn.

Để bình ổn thị trường, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 74/KH-SCT ngày 17/11/2023 của Sở Công Thương; theo dõi diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, khả năng dự trữ, cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp, thương nhân trong ngành nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán của người dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý các chương trình, hoạt động khuyến mại, xúc tiến thương mại, các chương trình bán hàng lưu động, thương mại điện tử của các doanh nghiệp dịp trước, trong Tết để đảm bảo các hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh đối với các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Chủ động nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động của các cửa hàng báng lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an tỉnh, Cục QLTT tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện, TP) thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc duy trì bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Quỳnh Anh_Phòng Quản lý Thương mại
Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 13,044
Tổng số trong ngày: 5,793
Tổng số trong tuần: 72,457
Tổng số trong tháng: 375,833
Tổng số trong năm: 1,054,180
Tổng số truy cập: 14,532,637