Tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường tỉnh Bắc Giang tháng 3 năm 2024

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 3/2024 tiếp tục diễn ra sôi động. Doanh thu các ngành trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhìn chung tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định; các lễ hội Xuân đầu năm được các địa phương tổ chức trong không khí vui tươi, thu hút Nhân dân và khách du lịch ngoài tỉnh đến tham quan, du xuân, lễ chùa, đã góp phần đẩy mạnh sức tiêu thụ nhiều loại hàng hóa và dịch vụ; việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa và nông sản thuận lợi; hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 3.819,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so tháng trước (+0,72%) và tăng 18,9% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, ước đạt trên 11.624,2 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Biến động doanh thu một số nhóm hàng hóa như sau: (1) Nhóm lương thực, thực phẩm: Giá một số loại thực phẩm (gạo, thịt lợn, thịt gà …) có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết âm lịch, cùng với nhu cầu tiêu thụ cũng giảm hơn sau Tết, doanh thu tháng 3 ước đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 1% so tháng trước, nhưng vẫn tăng 31,5% so cùng tháng năm trước; lũy kế 3 tháng, ước đạt 3.907,2 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; (2) Nhóm hàng may mặc và đồ dùng, trang thiết bị gia đình: Nhu cầu sử dụng nhóm mặt hàng này trong tháng ở mức thấp, do là tháng sau Tết nên việc tiêu thụ mặt hàng cũng có xu hướng giảm, bên cạnh đó yếu tố về thời tiết ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm hàng may mặc của người dân. Ước tính doanh thu nhóm hàng may mặc tháng 3 đạt 170,3 tỷ đồng, giảm 3% so tháng trước; lũy kế 3 tháng, nhóm hàng may mặc đạt 556,8 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; (3) Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng: Hầu hết các công trình xây dựng đều nỗ lực hoàn thiện trước Tết nên phần lớn các đại lý bán buôn, bán lẻ đồ gỗ, vật liệu xây dựng đều ghi nhận doanh thu giảm so tháng trước. Doanh thu bán lẻ nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 650,1 tỷ đồng, giảm 14,5% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 5,1% so với cùng tháng năm trước do một số vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng có xu hướng tăng giá bán từ đầu tháng sau khoảng thời gian dài duy trì mức giá thấp; (4) Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng: Nhờ thị trường bất động sản đã có tín hiệu tích cực và có thêm các nhà máy, dự án công nghiệp mới đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng công nhân gia tăng đã kéo nhu cầu thuê nhà trọ tăng theo. Bên cạnh đó, các công trình thuộc nguồn  vốn đầu tư công cũng bắt đầu được triển khai và giải ngân, nên mức tiêu thụ của nhóm này tăng 4,14% so tháng trước và tăng 8,12% so cùng tháng năm trước; lũy kế 3 tháng, doanh thu bán lẻ nhóm mặt hàng gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 2.085,4 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; (5) Nhóm xăng, dầu các loại và nhóm nhiên liệu khác: Cùng với sự hoạt động trở lại của các ngành công nghiệp, xây dựng và ngành vận tải hàng hóa sau thời gian nghỉ Tết và các lễ hội đầu năm, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng xăng dầu cũng tăng khá. Doanh thu nhóm mặt hàng này trong tháng 3 ước đạt gần 642 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng cao (+27,83%) so cùng tháng năm trước; lũy kế 3 tháng, tuy giá xăng dầu chỉ nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, doanh thu nhóm mặt hàng này đạt 1.894 tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ năm trước. Đối với nhóm nhiên liệu khác như gas, than… cũng được tiêu thụ nhiều trở lại dịp đầu năm, cùng với sự điều chỉnh giá hàng tháng có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, doanh thu nhóm mặt hàng này 3 tháng đầu năm ước đạt 85,8 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ; (6) Nhóm vàng, bạc đá quý và kim loại quý: Cụ thể như vàng, bạc, đá quý… đã trải qua quá trình dài tăng rất mạnh từ các tháng cuối năm trước, cho đến hết quý 1 năm nay vẫn neo ở mức cao. Mặc dù, vàng vẫn là kênh đầu tư cũng như tích trữ ưa thích trong dân cư do những lo ngại về rủi ro và sự tăng lên liên tục của giá vàng thời gian gần đây cũng tăng thêm những do dự cho những ý định mua và đầu tư vàng thời gian tới. Trong tháng, doanh thu nhóm mặt hàng này ước đạt 38,9 tỷ đồng, giảm 3,3% so tháng trước (do tháng 2 có hiệu ứng Ngày Vía Thần tài); lũy kế 3 tháng, doanh thu nhóm hàng này ước đạt 118,8 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tháng 3/2024 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 3,31% so với tháng 3 năm 2023, do tác động của một số nhóm hàng: Nhóm hàng chỉ số tăng so với tháng trước: nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD 0,46%; giao thông 0,28%; Bưu chính viễn thông 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,74%; hàng hóa và dịch vụ khác 0,10. Nhóm hàng chỉ số giảm so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,86% (trong đó lương thực tăng 1,22%; thực phẩm giảm 1,35% và ăn uống gia đình giữ nguyên không thay đổi); đồ uống và thuốc lá 0,6%; may mặc, mũ nón, giầy dép 0,19%; tiết bị và đồ dùng gia đình 0,62%; thuốc và thiết bị y tế 0,05%; Nhóm hàng Giáo dục giữ nguyên không thay đổi.

Để bình ổn thị trường, Sở Công Thương Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ động có phương án, tham mưu đề xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả; đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng cho người dân. Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,...; để đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời Phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Quỳnh Anh_- Phòng Quản lý Thương mại

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,201
Tổng số trong ngày: 336
Tổng số trong tuần: 12,819
Tổng số trong tháng: 390,823
Tổng số trong năm: 1,069,170
Tổng số truy cập: 14,547,627