Tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường tỉnh Bắc Giang tháng 4 năm 2024

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 4/2024 cơ bản ổn định, giá cả thị trường (trừ vàng và kim loại quý) cơ bản không có nhiều biến động lớn; giá nhiên liệu như xăng, dầu qua các kỳ điều chỉnh hàng tuần có sự tăng, giảm đan xen, giá gas có sự điều chỉnh giảm lần đầu tiên tính từ đầu năm; các dự án đầu tư bắt đầu được triển khai thi công khi vốn đầu tư được giải ngân góp phần kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, do giá vàng trong nước vẫn trong xu hướng tăng và liên tục thiết lập các mốc “đỉnh mới”, tác động lên nhu cầu vàng trong nước đã phần nào ảnh hưởng tới quá trình đầu tư và tiêu dùng của dân cư. Các ngành dịch vụ duy trì được sự tăng trưởng về doanh thu so với cùng kỳ; hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt trên 3.870 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước và tăng 18,1% so với cùng tháng năm trước. Biến động doanh thu một số nhóm hàng hóa như sau: (1) Nhóm lương thực, thực phẩm: Giá các loại thực phẩm ổn định, trong đó giá gạo sau thời gian giữ ở mức cao trong tháng đã có sự điều chỉnh giảm, các loại thực phẩm khác cơ bản giữ ở mức ổn định, đồng thời do nhu cầu sử dụng trong tháng có giảm hơn so với tháng trước (do tháng 3 năm nay rơi vào thời điểm cuối tháng Giêng và nửa đầu tháng 2 Âm lịch, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội). Doanh thu nhóm hàng này tháng 4 ước đạt 1.298,8 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ (-0,14%) so tháng trước, nhưng vẫn tăng cao (+28,9%) so cùng tháng năm trước; (2) Nhóm hàng may mặc: Bắt đầu bước vào mùa Hè nên các nhóm hàng may mặc và đồ dùng trang thiết bị gia đình đã được tiêu thụ mạnh hơn các tháng trước, các hãng thời trang đẩy mạnh chương trình giảm giá nhằm thu hút khách hàng và kích cầu tiêu dùng; doanh thu hàng may mặc tăng trên gần 3% so tháng trước và tăng 23,4% so cùng tháng năm trước. Bên cạnh đó, các hãng bán lẻ, cơ sở kinh doanh đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình cũng tung ra các chính sách ưu đãi và giảm giá ở hầu hết các mặt hàng gia dụng, đón đầu xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thời điểm đầu mùa hè; doanh thu nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 1,5% so tháng trước và tăng 13,7% so cùng tháng năm trước; (3) Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng: Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu gia tăng, các công trình dân dụng cũng như các công trình công nghiệp, giao thông, công trình công cộng cũng được các nhà thầu triển khai thi công. Giá sắt thép trong tháng có xu hướng giảm nhẹ, nhu cầu san lấp mặt bằng cho các công trình tăng khiến nhu cầu đá xây dựng tăng lên. Tính chung, doanh thu nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tháng 4/2024 ước đạt 694,3 tỷ đồng, tăng trên 2% so tháng trước và tăng 6,9% so cùng tháng năm trước; (4) Nhóm ô tô con: Các đại lý bán buôn, bán lẻ ô tô con tiếp tục tung ra các gói ưu đãi cho khách hàng khi mua sắm xe ô tô trong tháng 4 nhằm tạo sự sôi động và lan tỏa cho thị trường này trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu và người mua có tâm lý chờ đợi các mẫu xe mới. Tính chung, doanh thu bán lẻ nhóm ô tô con ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và chỉ tăng nhẹ 0,3% so cùng kỳ năm trước; (5) Nhóm mặt hàng nguyên, nhiên liệu như xăng dầu, nhiên liệu khác: Giá xăng dầu trải qua các kỳ điều chỉnh giá định kỳ có xu hướng tăng so với tháng trước, nhất là khi có kỳ nghỉ lễ kéo dài diễn ra từ cuối tháng 4 khiến cho nhu cầu đi lại tăng cao. Tính chung, doanh thu mặt hàng xăng, dầu trong tháng ước đạt 644,4 tỷ đồng, tuy chỉ tăng nhẹ (+0,1%) so với tháng trước, nhưng vẫn tăng cao (+25,8%) so cùng tháng năm trước. Nhu cầu sử dụng cũng như ảnh hưởng của sự điều chỉnh giảm giá một số nhiên liệu khác như gas, than khiến cho doanh thu nhóm mặt hàng này tháng 4 ước giảm 2,8% so với tháng trước; (6) Nhóm mặt hàng đá quý và kim loại quý: Giá vàng trong nước trong những ngày đầu tháng 4 liên tục tăng cao và tạo lập “đỉnh mới”, giao dịch mua - bán vàng trên thị trường luôn sôi động nhưng cũng có nhiều rủi ro. Nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá mạnh mẽ của giá vàng có thể kể đến do những bất ổn về tình hình địa chính trị trên thế giới do chiến tranh và xung đột sắc tộc, hay những mối lo ngại về các rủi ro bất ngờ khiến cho kênh đầu tư về chứng khoán, bất động sản đang trầm lắng và trú ẩn an toàn như vàng được ưa chuộng hơn. Mặc dù, sự sôi động của thị trường vàng và kim loại quý diễn ra ngay từ đầu năm, nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có chính sách phù hợp với diễn biến thực tế để bình ổn thị trường vàng, nhưng theo nhận định giá vàng thế giới vẫn có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Ước tính doanh thu bán lẻ nhóm hàng này trong tháng đạt 44,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 29,7% so với cùng kỳ.

Để bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ động có phương án, tham mưu đề xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả; đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng cho người dân. Thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,...; để đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Quỳnh Anh-Phòng Quản lý Thương mại

 

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 21,751
Tổng số trong ngày: 1,196
Tổng số trong tuần: 7,118
Tổng số trong tháng: 35,278
Tổng số trong năm: 1,111,489
Tổng số truy cập: 14,589,946