Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang có diện tích đất nông nghiệp 276 nghìn ha, chiếm 71,68% tổng diện tích đất tự nhiên, có điều kiện để phát triển đa dạng các giống cây trồng vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới, gieo trồng nhiều vụ trong năm.Đây là lợi thế có thể phát triển nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc thù hơn so với các tỉnh trung du miền núi và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Bắc Giang có diện tích đất nông nghiệp 276 nghìn ha, chiếm 71,68% tổng diện tích đất tự nhiên, có điều kiện để phát triển đa dạng các giống cây trồng vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới, gieo trồng nhiều vụ trong năm

 Đây là lợi thế có thể phát triển nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc thù hơn so với các tỉnh trung du miền núi và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Bước đầu đã hình thành một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung như: lúa chất lượng 26.000 ha, sản lượng 148 nghìn tấn, vải thiều 32.000 ha, sản lượng 160-200 nghìn tấn; cây rau đậu hàng năm đạt 24.000 ha, sản lượng đạt khoảng 380 nghìn tấn (trong đó: rau chế biến, rau an toàn 4.500 ha, sản lượng 85.000 tấn). Diện tích gieo trồng lạc 12.000 ha, sản lượng đạt 29.000 tấn; đàn lợn duy trì ổn định 1,2 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 164 nghìn tấn; đàn gà 14,6 triệu con, sản lượng 45,5 nghìn tấn…

         Ngoài 08 loại sản phẩm hàng hoá chủ lực nêu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số sản phẩm hàng hoá khác như: sản xuất nấm tại Lạng Giang; Cam đường canh, cam Vinh tại Lục Ngạn; Bưởi Diễn tại Lục Ngạn, Hiệp Hoà; rau cần Hiệp Hoà; chè Yên thế; Hoa cây cảnh tại TP Bắc Giang…

1.   Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều

Bắc Giang là tỉnh có diện tích Vải thiều lớn nhất toàn quốc. Với tổng diện tích khoảng 32.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Tân Yên, năng suất mỗi năm đạt khoảng 200.000 tấn. Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã cho quả Vải thiều Bắc Giang hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội. “Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” là những đặc trưng riêng của vải thiều Bắc Giang.

Vải thiều Bắc Giang là loại quả đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, thị trường đã được mở rộng trên toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài, được tiêu thụ dưới nhiều dạng: Quả tươi, sấy khô, và chế biến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá năm 2005 và cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2008. Hiện nay, Vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ sản phẩm tại 05 nước là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan. Vải sớm Tân Yên cũng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu "Vải sớm Phúc Hòa".

Tình hình sản xuất

Năm 2015, với tổng diện tích 32.000ha, sản lượng toàn tỉnh đạt 195.000 tấn quả tươi. Trong đó, vải sớm diện tích 6.000 ha, cho sản lượng trên 26.700 tấn (chiếm 13,6%), vải chính vụ diện tích 25.300 ha, cho sản lượng gần 168.300 tấn (chiếm 86,4%). Diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP tăng lên trên 12.300 ha (tăng 2.800 ha so với năm 2014), sản lượng khoảng 80.000 tấn; đặc biệt, đã đưa vào sản xuất 100 ha vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap, cho sản lượng khoảng 600 tấn phục vụ xuất khẩu sang các thị trường mới, khó tính. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã cấp 6 mã vùng trồng (từ 6618-6623) cho 109 hộ với diện tích 60,4 ha, tại xã Hồng Giang, Lục Ngạn.

Thời gian thu hoạch vải thiều sớm của tỉnh từ 20/5 đến 10/6/2015 (tập trung chủ yếu ở Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn); vải chính vụ thu hoạch từ 10/6 đến 10/7/2015.

Định hướng sản xuất vải thiều xuất khẩu năm 2016 và các năm tiếp theo: Mục tiêu phát triển cây vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2016 và những năm tiếp theo là giữ diện tích vải thiều toàn tỉnh từ 30.000 - 31.000 ha, sản lượng đạt từ 160 - 190 nghìn tấn quả. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng quả vải thiều, trong đó mở rộng diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lục Ngạn và các huyện trọng điểm lên 15.130 ha. Duy trì ổn định vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP và cấp mã vùng trồng cho 100 ha vải tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.

Công nghệ bảo quản, chế biến vải thiều:

Ngoài các biện pháp bảo quản truyền thống như bảo quản vải thiều tươi cùng đá trong thùng xốp, vận chuyển bằng xe lạnh, các biện pháp bảo quản chế biến như sấy khô, đóng hộp, ép nước, bóc cùi cấp đông…Năm 2015, để phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi sang một số thị trường mới, cao cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, triển khai các Hội nghị, hội thảo giúp các doanh nghiệp lựa chọn các công nghệ bảo quản phù hợp cho chế biến xuất khẩu vải thiều; Giới thiệu các Công ty chiếu xạ vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ . . . giúp các doanh nghiệp lựa chọn các công nghệ bảo quản phù hợp cho chế biến xuất khẩu vải thiều.

Đã phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP nhằm kéo dài thời hạn sử dụng, nâng cao chất lượng để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và Công ty Thanh Bình Jeune ứng dụng công nghệ sông so2 vào bảo quản trái vải thiều tươi.

Tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ canh tác tiến tiến trong sản xuất và dây truyền xử lý xông S02 bằng công nghệ Isarel cho sản phẩm quả vải thiều tại tỉnh Bắc Giang. Sau khi làm việc, thống nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Jural (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu tại địa bàn Bắc giang”. Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo lựa chọn doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ này để triển khai trong năm 2016.  

Để phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu vải thiều tươi vào thời gian giữa hai vụ vải, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển vùng xử lý 05 tấn vải thiều tươi bằng công nghệ CAS.

Kết quả tiêu thụ

Năm 2015, được đánh giá là năm có sản lượng lớn, giá cao, tiêu thụ thuận lợi, đảm bảo người trồng có lãi, doanh thu lớn. Tổng số lượng vải thiều đã thu hoạch, tiêu thụ là 195.000 tấn quả tươi. Thị trường tiêu thụ năm 2015 có sự thay đổi so với năm 2014, thị trường nội địa chiếm 55% tổng sản lượng (năm 2014 chiếm 48%), thị trường xuất khẩu chiếm 45% ( năm 2014 chiếm 52%). Giá trung bình toàn tỉnh năm 2015 đạt 15.000 đ/kg. Giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng: 2.900 tỷ; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.700 tỷ (80 triệu USD).

Về thị trường tiêu thụ:

- Thị trường nội địa: Vải thiều được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa 107.000 tấn (chiếm 55% tổng sản lượng). Trong đó, riêng thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 64.000 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

- Thị trường xuất khẩu: Năm 2015, hoạt động xuất khẩu vải thiều diễn ra sôi động, thuận lợi, thị trường xuất khẩu được mở rộng đến các quốc gia trên thế giới. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước châu Âu (vải chế biến) như những năm trước. Năm 2015, lần đầu tiên vải thiều tươi Bắc Giang được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản, …. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ xuất khẩu đạt 88.000 tấn (chiếm 45% tổng sản lượng toàn tỉnh). Trong đó thị trường Trung Quốc đạt 82.000 tấn (chiếm  93% tổng lượng xuất khẩu), các thị trường khác đạt 6.000 tấn (chiếm 7%). Cụ thể:

+ Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng. Tổng lượng vải xuất qua 3 cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang 82.000 tấn (chiếm khoảng gần 93% tổng sản lượng xuất khẩu).

+ Xuất khẩu thị trường khác: Ngoài các sản phẩm truyền thống là vải chế biến (vải lon, nước ép vải, Furee đông lạnh, vải bảo quản lạnh đông…) tiếp tục được xuất khẩu sang các nước Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, EU…như những năm trước với số lượng cao hơn (khoảng gần 5.750 tấn). Năm 2015, Vải thiều tươi của Bắc Giang lần đầu tiên xuất khẩu thị trường Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Malaysia… Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều, các lô xuất khẩu đầu tiên đều thuận lợi, phía khách hàng đều đánh giá cao chất lượng, mẫu mã vải thiều Bắc Giang. Sản lượng lượng vải thiều tươi của tỉnh xuất khẩu được sang các thị trường này khoảng 250 tấn, mang tính chất thăm dò, thử nghiệm, khẳng định thương hiệu và chất lượng, qua đó mở ra triển vọng cho vải thiều Bắc Giang thông thương ra các thị trường thế giới trong tương lai.

Về thương nhân: Năm nay có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, thương nhân. Thương nhân trong và ngoài nước liên kết với các thương nhân của tỉnh đặt điểm cân và thu mua tiêu thụ đi các thị trường.

Năm 2015, ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều chế biến tiêu biểu như: Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công  ty TNHH MTV Dũng Sỹ...Có thêm sự góp mặt của các công ty tham gia xuất khẩu vải thiều tươi vào các thị trường mới, khó tính (Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Malayxia…) như Công ty TNHH SX TMDV Rồng Đỏ, Công ty TNHH Ánh Dương Sao, công ty Thanh Bình Jeune, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (FOSTI CO.Ltd), HTX Bình Minh. . . Hiệu ứng từ việc vải Bắc Giang đã xuất khẩu sang được các thị trường mới, khó tính, đồng thời trên thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn thu mua vải thiều đã tác động mạnh đến việc thu mua, tiêu thụ của thương nhân Trung Quốc. Qua đó, việc mua bán, xuất khẩu vải thiều của tỉnh đã diễn ra hết sức sôi động, thuận lợi, giá vải thiều trong suốt mùa vụ cao và ổn định.

2.           Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh khác

Ngoài cây vải là cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Thực hiện Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Bắc Giang xác định tập trung phát triển sản xuất một số loại cây, con chủ lực như: Lúa chất lượng, lạc, rau an toàn rau chế biến, đàn lợn, đàn gà, thuỷ sản, cây lấy gỗ; cụ thể như sau:

Cây lúa chất lượng:

 Diện tích lúa chất lượng, lúa hàng hoá tiếp tục được mở rộng. Năm 2015 diện tích ước đạt 26.000 ha, sản lượng 145.500 tấn (Vụ Xuân 2015 đạt 12.485 ha, sản lượng 72.000 tấn). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh phong trào xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng với quy mô hàng nghìn ha phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở các huyện sản xuất lúa trọng điểm như: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà, Lạng Giang..., tiêu biểu có cánh đồng diện tích lên đến 50 ha như cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng tại Cảnh Thụy - huyện Yên Dũng, xã Vân Trung - huyện Việt Yên ... Đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thương hiệu “Gạo thơm Yên Dũng” có thị trường tiêu thụ ổn định. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nội địa là trong và ngoài tỉnh.

Cây rau chế biến, rau an toàn:

 Sản xuất rau chế biến, rau an toàn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo theo hướng mở rộng diện tích và đa dạng các loại giống đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Năm 2015 diện tích ước đạt 4.500 ha, sản lượng ước đạt 85,5 nghìn tấn. Đã hình thành các vùng sản xuất rau chế biến tập trung như: Cao Xá, Quang tiến, Phúc Sơn - Tân Yên, Quang Thịnh, Tân Thịnh, Hương Sơn - Lạng Giang, Cảnh Thụy, Tư Mại - Yên Dũng, Bảo Đài, Đông Hưng - Lục Nam, Hoàng Lương – Hiệp Hòa ... với các loại sản phẩm chủ yếu là dưa chuột bao tử, cà chua bi, dưa chuột Nhật, khoai tây chế biến Atlantics, hành lá,... Trong tổ chức sản xuất, đã hình thành các mô hình sản xuất có sự liên kết giữa "4 nhà" như: mô hình sản xuất khoai tây chế biến tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, mô hình rau an toàn tại xã Song Mai, thành phố Bắc Giang; rau cần tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hoà....

Về chế biến và tiêu thụ, sản phẩm rau an toàn của tỉnh ngoài việc sản xuất và cung ứng tiêu thụ dưới dạng tươi sống phục vụ nhu cầu tại chỗ, cung cấp cho các tỉnh và các thành phố lớn lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, ... Sản phẩm rau an toàn của tỉnh còn được khoảng gần chục nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh liên kết thu mua, chế biến và xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Đông Âu, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ. . .với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng trên 17 triệu USD.

Cây lạc:

Năm 2015 diện tích ước đạt 12.000 ha, sản lượng  30.000 tấn, trong đó diện tích lạc thâm canh cao khoảng 4.500 ha, sản lượng ước đạt 12.150 tấn. Trong sản xuất lạc đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như công nghệ che phủ ni lông, sử dụng các loại phân bón vi sinh, phân bón lá, đưa các giống mới như: L14, L26, L23... vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Đã hình thành một số vùng sản xuất lạc hàng hoá lớn ở các huyện Tân Yên, Hiệp Hoà, Yên Thế, Lục Nam và Lạng Giang. Đặc biệt đã hình thành vùng sản xuất lạc giống tập trung tại xã Cao Thượng, Cao Xá - huyện Tân Yên, Bắc Lý - huyện Hiệp Hòa, trong đó đã xây dựng được thương hiệu lạc giống Tân Yên có thị trường tiêu thụ ổn định.

Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu dưới dạng thô; thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa (Trong và ngoài tỉnh), một lượng nhỏ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đàn lợn:

Tổng đàn lợn năm 2015 ước đạt khoảng 1,21 triệu con, trong đó đàn lợn có tỷ lệ nạc trên 50% chiếm khoảng 55% tổng đàn. Chăn nuôi bán công nghiệp tập trung, chăn nuôi trang trại, gia trại theo quy trình an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có xu hướng tăng, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình giảm dần. Tỷ lệ chăn nuôi lợn an toàn sinh học chiếm khoảng 20% tổng đàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 250 trang trại chuyên chăn nuôi lợn đạt tiêu chí, tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Viêt Yên, Hiệp Hoà...

Sản phẩm được tiêu thụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng (Thịt lợn) cho nhân dân trong vùng (Trong và ngoài tỉnh) và một lượng nhỏ phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới dạng lợn sống và lợn sữa đông lạnh.

Tổng đàn gia cầm ước khoảng 17 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 14,5 triệu con. Chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, đảm bảo VSATTP được chú trọng. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại và an toàn sinh học ước đạt 30%. Chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô trên 1.000 con/lứa phát triển mạnh, có trang trại quy mô từ 5.000-10.000 con lứa; số trang trại chuyên chăn nuôi gà có 220 trang trại đạt tiêu chí, tập trung chủ yếu tại Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang. Sản phẩm “gà đồi Yên Thế” đã xây dựng được thương hiệu và hiện nay đang tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước, các tỉnh lận cận và đặc biệt là thị trường Hà Nội.

 

Con thuỷ sản (cá):

 Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2015 khoảng 12.200 ha, sản lượng thuỷ sản ước đạt 30.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh cao có năng suất 10 tấn/ha ước đạt 1.250 ha; diện tích nuôi bán thâm canh năng suất 4-5 tấn/ha ước đạt 2.300 ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh nuôi cá tập trung như: xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên, xã Ngọc Châu, Cao Thượng huyện Tân Yên, xã Thái Đào huyện Lạng Giang, xã Lão Hộ huyện Yên Dũng ...

Sản phẩm thủy sản của tỉnh được tiêu thụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân trong tỉnh.

Cây lâm nghiệp (cây lấy gỗ):

Diện tích rừng kinh tế năm 2015 ước đạt gần 70.000 ha, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng bình quân hàng năm ước đạt trên 255 nghìn m3. Trong trồng rừng kinh tế, đã áp dụng biện pháp thâm canh rừng, sử dụng các giống có chất lượng, phù hợp điều kiện sinh thái tại địa phương, năng suất rừng trồng được nâng lên 80m3/ha/chu kỳ (tăng 30 m3/ha/chu kỳ so với giai đoạn 2006-2010). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu gỗ tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động và Yên Thế.

Sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh phục vụ nhu câu tiêu dùng dân sinh và phục vụ các nhà máy chế biến ván, dăm gỗ phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (xuất khẩu dưới dạng thô).

Các sản phẩm nông nghiệp khác

Ngoài 8 sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, hiện nay trên địa bàn  tỉnh đã hình thành một số sản phẩm hàng hóa khác như: sản xuất nấm tại huyện Lạng Giang và một số huyện khác, sản lượng nấm tươi hàng năm đạt 4.000 – 5.000 tấn; cam Đường Canh, cam Vinh tại huyện Lục Ngạn (Cam Canh: 600 ha, sản lượng 6.600 tấn), bưởi Diễn tại Lục Ngạn và Hiệp Hòa (diện tích trên 500 ha, sản lượng 6.000 tấn), chè Yên Thế (diện tích 500 ha, sản lượng 4.000 tấn); Đàn trâu khoảng 54.853 con, cho sản lượng hàng năm đạt 2.685 tấn; Đàn bò khoảng 134.208 con, cho sản lượng hàng năm đạt 5.769 tấn. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ nội địa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và các tỉnh lân cận.

TTXTTM

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,037
Tổng số trong ngày: 7,191
Tổng số trong tuần: 17,664
Tổng số trong tháng: 99,454
Tổng số trong năm: 1,175,665
Tổng số truy cập: 14,654,122