Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2016

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Vụ vải thiều năm 2016 được đánh giá thành công trên mọi phương diện

Vải thiều Bắc Giang ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò, là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh và nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân. Cùng với sự ủng hộ của các Bộ, ngành TW, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng trong việc hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều, người dân đã quan tâm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy năng suất,  chất lượng quả vải ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá cả ổn định. Với những kết quả đó, có thể khẳng định vụ vải thiều năm 2016 được đánh giá thành công trên mọi phương diện, cụ thể trên các mặt sau:

Công tác chỉ đạo

        Ngay sau khi kết thúc mua vụ vải thiều năm 2015, UBND tỉnh Chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều sau thu hoạch. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch diện tích trồng vải thiều đảm bảo phù hợp cơ cấu cây trồng, theo hướng giảm diện tích khu vực có năng suất thấp, chất lượng kém để nâng cao chất lượng quả vải thiều phục vụ thị trường xuất khẩu. Chỉ đạo khảo sát, đánh giá, cấp mã vùng trồng, quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, thực hiện nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, ban điều hành, tổ hợp tác hướng dẫn người dân trồng vải áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đủ điều kiện, nguồn hàng sẵn sàng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU....; hình thành các HTX, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vải thiều liên kết bền vững với nông dân trong việc chế biến, tiêu thụ vải thiều sau thu hoạch.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện ứng dụng các công nghệ bảo quản hiện đại để phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi sang các thị trường mới, cao cấp: Triển khai đề tài, ứng dụng có khả năng nhân rộng đó là: Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP”, do Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì. Năm 2016 đã xây dựng mô hình bảo quản vải thiều Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) quy mô 5 tấn vải thiều, thời gian bảo quản được 35 ngày. Đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Juran (Israel) bảo quản tươi quả vải thiều và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện.

Chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì, phát triển nhẫn hiệu tập thể đối với sản phẩm vải sớm Phúc Hòa và chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn. Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 05 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản và đang tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu nhãn hiệu đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại 04 quốc gia: Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore và một số nước khác trên thế giới. Hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu về thủ tục đăng ký thương hiệu, tên thương mại và nhãn hiệu thương mại xuất khẩu.

Chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp thu hoạch, đóng gói, đảm bảo giảm tổn thất sau thu hoạch. Năm 2016, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn có sản phẩm được đóng gói theo quy cách, bao bì, tem nhãn hiện đại, có thẩm mỹ để cấp vào thị trường Hà Nội.

Tổ chức sản xuất

Năm 2016 tổng diện tích vải thiều là 30.000 ha (giảm 1.000 ha so với năm 2015 – do chuyển đổi cơ cấu cây trồng); tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt 142.315 tấn (giảm 52.685 tấn so với năm 2015- do thời tiết không thuận lợi); trong đó vải chín sớm đạt 19.250 tấn chiếm 13,5%; vải thiều chính vụ 123.065 tấn chiếm 86,5%; tập trung ở các huyện Lục Ngạn (91.508 tấn), Lục Nam (25.000 tấn), Tân Yên (6.500 tấn), Lạng Giang (5.700 tấn), Yên Thế (9.500 tấn) và Sơn Động (4.107 tấn). Chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay cao hơn các năm trước. Thời vụ thu hoạch vải chín sớm bắt đầu từ ngày 31/05 – 09/06, vải chính vụ bắt đầu thu hoạch từ ngày 09/06 – 20/07.

Đặc biệt năm 2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp 18 mã số vườn cho 327 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Quang, Tân Mộc và Kiên Lao, huyện Lục Ngạn với diện tích  217,89 ha theo tiêu chuẩn Globalgap; Viện quy hoạch- phát triển vùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp mã vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap cho 12 hộ với diện tích 5 ha tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang. Tổng sản lượng vải thiều theo tiêu chuẩn Globalgap là 1.160 tấn. Vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 12.560 ha, sản lượng đạt 55.450 tấn. Chất lượng và năng suất của vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap cao hơn so với các vùng khác sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Năm 2016 có thêm nhiều hộ có sản lượng lớn, mẫu mã đẹp hơn so với năm 2015, tập trung tại xã Giáp Sơn, xã Tân Sơn... Bước đầu triển khai mô hình hợp tác xã sản xuất vải thiều có hiệu quả trong việc tăng cường năng lực sản xuất, tạo mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều bền vững.

CÔNG TÁC HỖ TRỢ TIÊU THỤ VẢI THIỀU

Công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm

       Xác định truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thông tin, quản bá, giới thiệu vải thiều Bắc Giang đến các thị trường trong và ngoài nước. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, UBND các huyện có vải thiều chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tình hình thị trường đảm bảo chính xác, kịp thời. Phân công đồng chí giám đốc Sở Công Thương là người phát ngôn, để chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền.

       Năm 2016, tỉnh Bắc Giang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang... các báo: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Công Thương, Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế nông thôn, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tuổi trẻ, Hà Nội mới, Pháp luật, Bắc Giang... Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại một số nước đã kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận, thông tin một cách đầy đủ, khách quan, thường xuyên về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng. thị trường tiêu thu để hỗ trợ nông dân. thương nhân và doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều thuận lợi.

UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn thông tin các nội dung về tình hình sản xuất, sản lượng vải thiều, giá cả, công tác đảm bảo an ninh trật tự; các nội dung về đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với thương nhân nước ngoài.  Tổ chức quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm vải thiều nói riêng, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

 UBND các huyện có vải thiều đã tăng cường công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm tới người dân, thương nhân và doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại qua đó đã góp phần quan trọng trong công tác tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ cho người trồng vải.

Sở Công Thương và UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên đã in và cấp gần 50.000 nhãn đề can hàng hóa vải thiều Lục Ngạn cho Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất & và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Hòa; cấp 250 kg túi nilong loại 3 kg, in catalog, tờ rơi, đĩa DVD…để quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều.Qua đó giúp người tiêu dùng dễ nhận biết thương hiệu sản phẩm vải thiều của tỉnh.

Công tác xúc tiến tiêu thụ

Năm 2016, hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới cả về quy mô và hình thức. Các hoạt động xúc tiến đi vào trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu. Tạo ra điểm nhấn và hiệu ứng mạnh mẽ, giúp việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi hơn. Ngay từ đầu vụ,UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn; đồng thời tổ chức 04 hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh có cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu thị trường nội địa luôn được xác định là giữ ổn định nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có, tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng liên quan trong tỉnh với các nội dung: Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường để tìm hướng ra cho quả vải thiều; quản lý kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại; đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thu mua, tiêu thụ vải thiều; đảm bảo an toàn giao thông, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong vụ thu hoạch vải thiều; chỉ đạo đảm bảo đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

 Đối với thị trường xuất khẩu Trung Quốc, UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào ngày 27/05/2016 và 13/06/2016, với sự tham gia của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc tại các cửa khẩu, hiệp hội kinh doanh hoa quả và trên 100 doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc. Thông qua các hội nghị, đã chuyển tải các thông điệp của tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn về cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến phối hợp với thương nhân Việt Nam Việt Nam tổ chức thu mua, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu vải thiều.

Đối với thị trường mới như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mlaysia... UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc, mời gọi các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải thiều sang thị trường mới. UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều với các đối tác của Úc, Malaysia. Năm 2016, sản lượng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường này đã tăng lên 13.000 tấn, chiếm tỷ trọng 19% sản lượng xuất khẩu (năm 2015 chiếm 7%).

 UBND tỉnh đã chủ động đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Hải Dương và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20/6/2016 nhằm tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương với Hiệp hội các nhà bán lẻ, Sở Công Thương các tỉnh phía Nam để tăng tiêu thụ vải tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tích cực tiêu dùng vải thiều để giúp người trồng vải tiêu thụ thuận lợi hơn. Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp, ký kết thỏa thuận tiêu thụ vải thiều với Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam, qua đó các tỉnh, thành bạn đã tạo điều kiện thuận lợi và kêu gọi các doanh nghiệp, thương nhân tích cực tham gia tiêu thụ vải thiều.

Điểm mới trong công tác xúc tiến vải thiều năm nay là đã tổ chức thành công “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang” tại Hà Nội năm 2016 tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) và Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), từ ngày 24/6/2016. Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa kế hoạch hợp tác liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản, hàng hóa chủ lực giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020. Qua sự kiện này, vải thiều Lục Ngạn đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và khẳng định thương hiệu đến đông đảo người tiêu dùng Thành Phố Hà Nội.

Để tăng cường công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ vải thiều. Ngày 02/7/2016 UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức buổi gặp mặt, tọa đàm trao đổi thông tin vụ vải thiều năm 2016 với trên 100 thương nhân Trung Quốc và thương nhân trong nước tham gia thu mua xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã trao đổi, giải đáp và giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các điều kiện khác hỗ trợ công tác tiêu thụ vải thiều

 Các sở, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, triển khai thực hiện các biện pháp phân luồng, dãn điểm cân, đảm bảo giao thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ; tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm thu mua vải thiều, tăng cường đảm bảo an ninh cho người dân, thương nhân, doanh nghiệp thu mua vải thiều tại địa phương, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho công tác tiêu thụ vải thiều. Thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực tập trung  đông thương nhân đến thu mua vải thiều. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân thanh toán, tiếp cận, giải ngân các nguồn vốn.

 UBND các huyện bố trí đủ nhân lực, phương tiện tổ chức thực hiện thu gom, xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin thị trường; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, không để xảy ra sự cố trong tranh chấp, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Kết quả tiêu thụ

Năm 2016, được đánh giá là năm vải thiều có giá bán cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, sản lượng tuy giảm nhưng tiêu thụ thuận lợi, đảm bảo người dân trồng vải thiều có lãi, doanh thu lớn. Tổng sản lượng vải thiều đã thu hoạch tiêu thụ là 142.315 tấn. thị trường tiêu thụ năm nay có sự thay đổi so với năm 2015, thị trường nội địa chiếm 50% tổng sản lượng ( năm 2015 chiếm 55%), thị trường xuất khẩu chiếm 50% (năm 2015 chiếm 45%), cụ thể là:

Về thị trường tiêu thụ

Cùng với việc duy trì và phát triển hợp tác gắn bó với các thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế quả vải thiều Bắc Giang trong giai đoạn hội nhập, với phương châm các thị trường đều có vai trò quyết định trong việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

 Thị trường nội địa: Thị trường nội địa được xác định là trọng điểm, tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có. Vải thiều được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong việc chế biến, tiêu thụ vải thiều. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa trên 71.000 tấn (chiếm 50% tổng sản lượng). Trong đó, riêng thị trường phía Nam tiêu thụ trên 40.000 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

 Thị trường xuất khẩu: Tổng sản lượng tiêu thụ xuất khẩu đạt trên 71.000 tấn (chiếm 50% tổng sản lượng toàn tỉnh). Trong đó thị trường Trung Quốc đạt 57.000 tấn (chiếm  81% tổng lượng xuất khẩu), các thị trường Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...  đạt 13.000 tấn (chiếm 19% tổng sản lượng xuất khẩu). Năm 2016, hoạt động xuất khẩu vải thiều diễn ra sôi động, thuận lợi, vải thiều tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường truyền thống Trung Quốc cũng như các thị trường mới.

- Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng. Theo thống kê tại các cửa khẩu phía Bắc, xuất  khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn ( Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam) khoảng 32.000 tấn (trong đó, vải khô quy tươi khoảng 5.000 tấn), cửa khẩu Lào Cai 21.000 tấn, số lượng nhỏ qua Cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang trên 4.000 tấn. Đối với các thị trường Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... sản lượng xuất khẩu đã tăng lên đáng kể so với năm 2015, vải thiều Bắc Giang tiếp tục được người tiêu đùng đánh giá cao và chất lượng và mẫu mã tại các thị trường này. Đây chính là tín hiệu tốt và là cơ sở tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo, khẳng định thương hiệu và chất lượng của vải thiều Bắc Giang với các thị trường thế giới. 

Về thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh vải thiều:

Năm 2016, có nhiều doanh nghiệp, thương nhân mới tham gia vào việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Bước đầu có sự liên kết khá chuyên nghiệp giữa các thương nhân trong và ngoài nước với các thương nhân trong tỉnh. Tại huyện Lục Ngạn có trên 1.200 điểm thu mua lớn nhỏ, trong đó có trên 385 điểm thu mua từ 8 tấn/ngày trở lên, còn lại là các điểm cân nhỏ và các điểm cân tại các huyện khác. Tuy nhiên, số điểm cân không cố định từng ngày, tùy biến động giá cả, thị trường tiêu thụ. Thời điểm chính vụ. có 280 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt hàng trăm điểm cân, trung bình 10 – 12 tấn/ngày/điểm cân.

Các doanh nghiệp, thương nhân tiếp tục duy trì xuất khẩu vào các thị trường truyền thống đồng thời mở rộng sang các thị trường mới. Các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều chế biến tiêu biểu như: Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công  ty TNHH MTV Dũng Sỹ...; Các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều tươi vào các thị trường mới, khó tính (Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Malayxia…) như Công ty TNHH Ánh Dương Sao, công ty Thanh Bình Jeune, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (FOSTI Co.Ltd), HTX Bình Minh. . . Việc xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp lớn thu mua vải thiều đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó, việc mua bán, xuất khẩu vải thiều của tỉnh đã diễn ra hết sức sôi động và thuận lợi.

Về giá cả và doanh thu từ hoạt động sản xuất, tiêu thụ vải thiều:

Năm  2016, giá bán vải thiều cao hơn các năm trước và ổn định trong suốt mùa vụ. Tuy nhiên, do có sự chênh lệch về chất lượng vải thiều giữa vùng, các huyện trên toàn tỉnh, giá dao động tùy từng loại vải và từng thời điểm có sự khác nhau.  Giá thấp nhất 10.000 - 12.000đ/kg, giá cao nhất lên tới 52.000đ/kg. Tại các cửa khẩu, giá dao động từ 30-35.000 đồng/kg, giá vải sấy khô: 50-80.000đ/kg. Giá trung bình năm 2016 đạt 21.000 đồng/kg (cao hơn 6.000 so với năm 2015).

- Giá xuất khẩu trung bình: 28.000 đ/kg. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.960 tỷ (89 triệu USD). Giá trị sản xuất từ vải thiều toàn tỉnh đạt gần 3.000 tỷ, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt trên 2.000 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng.

Kết quả một số ngành nghề chế biến, dịch vụ chính trong vụ vải thiều

- Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị nguồn vốn, triển khai hỗ trợ các thủ tục giải ngân, giao dịch thuận lợi. Tổng số tiền giao dịch qua dịch vụ bưu điện và ngân hàng đạt 2.714,5 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 2.180 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV 380 tỷ đồng; Ngân hàng Vietcombank 150 tỷ đồng, Bưu điện 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra các ngân hàng đã tạo điều kiện cho khách hàng vay 211 tỷ đồng để kinh doanh vải thiều.

- Ngành điện đã xây dựng kế hoạch ưu tiên cấp điện phục vụ sản xuất và tiêu thụ vải thiều, nhất là các cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp, không để xảy ra tình trạng mất điện. Tổng sản lượng điện phục vụ tiêu thụ vải thiều tại các cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp là 9,46 triệu kWh, giá trị đạt 14,96 tỷ đồng.

- Trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp sản xuất thùng xốp, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ đóng vải thiều và hoa quả của nhân dân. Tổng lượng thùng xốp phục vụ vải thiều trên 6.560.000 thùng, doanh thu đạt trên 173 tỷ đồng. Có 51 cơ sở sản xuất đá cây, tổng số lượng đã cây sản xuất phục vụ bảo quản vải thiều trên địa bàn là 900.000 cây đá, doanh thu đạt trên 34,5 tỷ đồng.

- Các hoạt động phụ trợ khác đi kèm như: Vận chuyển, nhân công bốc xếp, khách sạn, nhà hàng... diễn ra hết sức sôi động và phong phú, hỗ trợ tích cực cho công tác tiêu thụ vải thiều, đồng thời tạo việc cho hàng nghìn lao động và tăng doanh thu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trung bình (0 Bình chọn)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,864
Tổng số trong ngày: 1,040
Tổng số trong tuần: 11,513
Tổng số trong tháng: 93,303
Tổng số trong năm: 1,169,514
Tổng số truy cập: 14,647,971