Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010; trong năm 2017, Sở Công Thương Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân cấp quản lý trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được như sau:

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các Thông tư và văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang; trong năm 2017, Sở Công Thương Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân cấp quản lý trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được như sau:

Sở Công Thương đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Phòng Kinh tế các huyện, thành phố tổ chức 08 lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cấp huyện, xã; cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 900 học viên là chủ cơ sở và người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.

Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Sở đã tiến hành thành lập đoàn thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cấp 85 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý, tăng 138% so với năm 2016.

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Phòng Kinh tế các huyện, thành phố thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường đặc biệt là các dịp Lễ, Tết, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong năm, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 299 vụ; xử phạt vi phạm hành chín 574.550.000 đồng, trị giá tang vật vi phạm ước tính 906.307.000 đồng.

Thực hiện công khai đường dây nóng của ngành Công Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang Thông tin điện tử của Sở để tiếp nhận, xử lý những thông tin phản ánh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Đối với công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm, Sở Công Thương đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm trong Labo đánh giá thực phẩm lưu thông trên thị trường được 135 mẫu thực phẩm (40 mẫu bánh kẹo, các sản phẩm từ tinh bột; 30 mẫu nước giải khát; 20 mẫu sữa và các sản phẩm từ sữa; 10 mẫu dầu thực vật; 35 mẫu rượu), tỷ lệ mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép đối với vi khuẩn E.coli là 99%; mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép với hàm lượng Aldehyd là 90%; mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép với hàm lượng nấm men, nấm mốc là 87,5%.

Với những kết quả đạt được trong năm 2017, Sở Công Thương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh để thực hiện tốt an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Công tác quản lý và thực hiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở dần đi vào nề nếp và ổn định; cơ bản các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nắm bắt và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hoặc gây bức xúc trong xã hội. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các phòng ban chuyên môn của Sở, giữa Sở và các cơ quan liên quan để quản lý về an toàn thực phẩm được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên, liên tục theo định kỳ, đột xuất và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; công tác thẩm định để cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đảm bảo về chất lượng và thời gian theo quy định. Trình độ, nghiệp vụ của cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên trong công tác quản lý, xử lý về an toàn thực phẩm và chống hàng lậu, hàng giả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:

Một cơ sở thực phẩm trong quá trình hoạt động vẫn chịu sự quản lý của nhiều cấp, nhiều cơ quan, cụ thể: Cơ sở kinh doanh các nhóm thực phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý do UBND cấp huyện cấp Giấy đăng ký kinh doanh phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm tại cấp huyện; tuy nhiên, để ký được cam kết phải qua Sở Công Thương xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, do đó không thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Cán bộ làm công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm ở cả 3 cấp đều kiêm nhiệm, do đó cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý nói chung, trong đó có việc quản lý các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cấp xã; trong công tác kiểm tra chưa đủ năng lực, phương tiện, điều kiện lấy mẫu kiểm tra nhanh sản phẩm để có kết quả so sánh tiêu chuẩn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nên không có cơ sở khoa học rõ ràng để nhận biết nhanh, chứng minh nguồn gốc thực phẩm, nhận biết các phụ gia thực phẩm, nhất là những sản phẩm chế biến sử dụng ngay đang được tiêu dùng rộng rãi (rượu, bia, bánh kẹo, kem, sữa chua, gia cầm nhập lậu…); trong công tác thẩm định chưa có máy móc, thiết bị nên việc thẩm định chủ yếu bằng cảm quan và dựa trên hồ sơ là chính nên gặp nhiều khó khăn.

Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho Sở Công Thương các năm không được bố trí nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra các cơ sở về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh phí chủ yếu được cân đối từ nguồn ngân sách quản lý nhà nước của Sở.

Công tác rà soát, thống kê, lập sổ theo dõi, đánh giá phân loại A, B ,C các cơ sở thực phẩm chưa được đầy đủ dẫn đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của ngành quản lý là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên rất khó quản lý và kiểm soát.

Do hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu thương mại hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng nên việc kiểm soát hàng thực phẩm nhập khẩu, lưu thông trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Trước tình hình an toàn thực phẩm hiện nay, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế, cụ thể:

Về công tác chỉ đạo:

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 20/01/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 1542/KH-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển các chợ, siêu thị, làng nghề đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai kết nối sản phẩm nông, thủy sản an toàn của tỉnh đến các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nhân rộng mô hình chợ, cửa hàng thực phẩm an toàn.

Triển khai thực hiện Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Hướng dẫn số 1101/SCT-KT ngày 27/12/2017 phân công nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm đối với cấp huyện, xã của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Định kỳ kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cấp.

Về đầu tư nguồn lực:

Tiếp tục củng cố, nâng cao hoạt động quản lý tại các cấp huyện, xã; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.

Tăng đầu tư ngân sách cho hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm.

Về công tác tổ chức thực hiện:

Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến về an toàn thực phẩm, đồng thời kiên quyết phê phán những tồn tại, yếu kém, hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Tư vấn, hướng dẫn cho cơ sở thực phẩm chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến trong quản lý, sản xuất thực phẩm.

Trong công tác quản lý cần tăng cường và giám sát tốt từ gốc, kiểm soát tại các nơi sản xuất, lưu thông nguồn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường; tái kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn; xử lý nghiêm và đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thông tin nhanh và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho nhân dân được biết và chủ động phòng ngừa đối với cơ sở sản xuất cũng như loại thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Tăng cường hoạt động liên ngành trong quản lý và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm./.

Thân Văn Trung (Sở Công Thương Bắc Giang)

Average (0 Votes)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 8,582
Total visited in day: 1,842
Total visited in Week: 11,078
Total visited in month: 137,244
Total visited in year: 1,559,917
Total visited: 15,038,374